Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL hướng tới phát triển bền vững

author 06:31 24/01/2023

(VietQ.vn) - Tháng 9/2015, Liên Hợp Quốc (UN) đã xây dựng kế hoạch 15 năm để giải quyết một số vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Chiến lược hành động để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm tăng cường an ninh và thịnh vượng, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và môi trường sống.

Trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) từ năm 2021 đã truyền đi thông điệp: “Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” và SDG sẽ là chủ đề thảo luận hằng năm của các tổ chức này. ISO có hơn 22000 tiêu chuẩn, các tiêu chuẩn này chính là cơ sở vững chắc cho việc đổi mới, phát triển và là công cụ cần thiết để giúp chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu SDG như tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường hạ tầng chất lượng quốc gia, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Năm 2022, tiêu chuẩn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu. Tại Hội nghị các bên (COP) lần thứ 27 trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Ai Cập, ISO công bố hướng dẫn toàn cầu mới làm rõ về hành động đưa phát thải ròng bằng 0 (Net zero).

Tài liệu này cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn và khuyến nghị nhằm tạo điều kiện cho phương pháp tiếp cận chung với mức độ tham vọng cao, nhằm thúc đẩy các tổ chức đạt được phát thải GHG ròng bằng 0 càng sớm càng tốt và muộn nhất vào năm 2050. Mục tiêu hướng tới là tài liệu tham khảo chung cho các tổ chức quản trị (bao gồm sáng kiến tự nguyện, áp dụng tiêu chuẩn, chính sách, quy chuẩn quốc gia, quốc tế) và có thể giúp các tổ chức hành động góp phần đạt được phát thải ròng toàn cầu bằng 0.

Hội nghị lần thứ 64 của Ban Chấp hành (GBM) APO.

Hội nghị thường niên của Đại hội đồng ISO từ ngày 19 đến 23/9/2022 với sự tham gia của hơn 5000 đại biểu gồm trực tiếp và trực tuyến, chương trình nghị sự dày đặc đều thảo luận các khía cạnh của tiêu chuẩn để đáp ứng các mục tiêu của phát triển bền vững. Bà Ulrika Francke, Chủ tịch ISO nhấn mạnh: “Năm qua đã cho thấy các chương trình nghị sự toàn cầu tập trung vào phát triển xanh và bền vững. Cộng đồng đang ngày càng nhận ra giá trị và sự liên quan của tiêu chuẩn trong khía cạnh này nhưng chúng ta (những người làm công tác tiêu chuẩn hóa) vẫn cần nỗ lực hơn nữa”.

Năm 2022, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã sôi động trở lại. Việc kết hợp hoạt động trực tiếp và trực tuyến đã thúc đẩy nhiều sáng kiến kết nối, hợp tác hơn nữa. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cử cán bộ tham gia 80 hội thảo, hội nghị trực tuyến và trực tiếp, 70 khóa đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), đón tiếp 8 đoàn vào, tổ chức 15 đoàn ra cho các cán bộ trong và ngoài Tổng cục và tổ chức 7 hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia vào chương trình nghị sự của ISO, đóng góp cho chương trình của Hội nghị, với bài trình bày tại Phiên thảo luận với chủ đề: “Các phương án mang tính đổi mới sáng tạo cho vấn đề khan hiếm nguồn nước” do Viện Tiêu chuẩn Israel (SII) chủ trì.

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò kết nối, bảo trợ của Tổng cục, tỉnh Phú Yên đã nhận được dự án hỗ trợ các nước thành viên APO khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng nông thuỷ sản. Chính phủ Nhật Bản thông qua APO đã tài trợ 4 thiết bị bảo quản lạnh gồm 2 container bảo quản lạnh Kuraban 20ft, 1 container bảo quản lạnh 40ft và 1 thiết bị làm đá bào từ nước mặn Sea Snow.

Các doanh nghiệp đã được đào tạo hướng dẫn cách sử dụng đúng kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời cũng có kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, quy trình bảo quản sản phẩm đông lạnh để xứng tầm với quy mô của dự án. Trong năm 2022, Tổng cục tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Viên Sơn, Lâm Đồng xây dựng dự án cải thiện năng suất sản xuất rau trồng trong nhà kính.

Hội nghị lần thứ 57 của Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ).

Ngày 27/10/2022, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác song phương, Tổng cục cùng Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Hoa kỳ (ASTM International Mỹ) đã tổ chức hội thảo mục đích nâng cao nhận thức và chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm quản lý và các đề xuất, nghiên cứu khoa học đối với việc quản lý, sử dụng, xử lý rác thải từ các sản phẩm là phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE). Các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn tại Việt Nam và Mỹ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Dự án “Hỗ trợ các dịch vụ đảm bảo chất lượng phát triển năng lượng bền vững”, một trong các dự án được Chính phủ Đức đề xuất hợp tác thực hiện với tổng vốn ODA không hoàn lại là 1,5 triệu Euro. Trong bối cảnh sự phát triển của các cơ chế và dịch vụ cơ sở hạ tầng chất lượng vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam dẫn đến những rủi ro liên quan đến việc đảm bảo chất lượng và tính bền vững của các hệ thống năng lượng tái tạo về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế, dự án hợp tác kỹ thuật giúp mở rộng các dịch vụ đảm bảo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy các điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam bằng cách thiết lập sự sẵn có của các dịch vụ này cho người dùng tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, dự án “Tham vấn về hoàn thiện hệ thống cấp chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm năng lượng mặt trời tại Việt Nam” giúp chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về xây dựng hệ thống chứng nhận và thử nghiệm thiết bị quang điện cho Việt Nam. Dự án được thực hiện 06 tháng (từ 01/7/2022 - 31/12/2022) trong đó các kết quả chính là đề xuất chương trình chứng nhận và thử nghiệm thiết bị quang điện cho Việt Nam thông qua đánh giá, so sánh hệ thống chứng nhận và thử nghiệm giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đào tạo các nhà quản lý, nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm thiết bị quang điện cho Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, các hoạt động hợp tác quốc tế hướng đến sự phát triển bền vững được Tổng cục TCĐLCL coi trọng, đóng góp cho thành công chung hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung, của Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng, đồng thời tăng cường vai trò của Tổng cục TCĐLCL như một thành viên có trách nhiệm, một nhân tố tích cực trong công tác hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh của Tổng cục đối với bạn bè quốc tế như một đối tác năng động, hiệu quả.

Vũ Tú Quyên - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác Quốc tế

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang