Cảnh giác tình trạng thực phẩm nhập không nhãn phụ, không rõ xuất xứ dịp cận Tết

author 07:17 27/01/2024

(VietQ.vn) - Ghi nhãn hàng hóa là quy định bắt buộc trong kinh doanh, nhất là với các sản phẩm thực phẩm ngoại nhập, trước khi lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề vi phạm về nhãn hàng hoá lại đang diễn ra khá phổ biến tại các chợ truyền thống.

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trước nhu cầu hàng hoá tăng mạnh, nhiều tiểu thương đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung ứng, với đủ loại thực phẩm, trong đó phần lớn là hàng khô như: trái cây khô, trái cây ép dẻo, nho khô, bí khô, mơ mận khô… Các sản phẩm này đang được bày bán nhiều tại các chợ ở hầu khắp các tỉnh/thành phố.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023 cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm, qua đó phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Thông tin từ cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cho hay, thời gian qua, cơ quan này thu giữ nhiều thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác có chứa các chất cấm, chất bảo quản, không có trong danh mục diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với mức độ vi phạm tinh vi hơn trước.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm quá hạn, chứa nhiều vi sinh vật gây hại, có độc tố. Nhiều thực phẩm ô nhiễm nặng được tái chế để có vẻ ngoài tươi mới, thường không gây ngộ độc cấp tính, nhưng gây ảnh hưởng về lâu dài đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Khảo sát tại chợ Vinh - chợ đầu mối lớn nhất của tỉnh Nghệ An, cho thấy hàng hóa được đóng thành từng bao bì lớn, nhỏ đủ loại. Tại khu vực bán đồ khô của chợ, cho thấy rất nhiều sản phẩm thực phẩm khô cả trong bao lớn và nhỏ đều có nhãn bằng tiếng nước ngoài, trong đó phần nhiều là từ Trung Quốc.

Các loại bánh mứt không có nhãn mác, hoặc có nhãn mác nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt với nhiều thông tin sơ sài được bày bán công khai. Theo lý giải của một số chủ hàng, do thường nhập các thùng hàng với số lượng lớn về rồi mới chiết ra bán lẻ nên không để ý hoặc quên dán nhãn… Thực tế, các mặt hàng đó có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng như thế nào thì “chỉ có người bán mới biết”, thậm chí người bán cũng không rõ chất lượng sản phẩm ra sao. Thậm chí, thông tin về ngày sản xuất trên các sản phẩm mứt, hoa quả sấy khô của Việt Nam, hoặc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan đều có dấu hiệu bị bôi xóa, in mới. Trong khi một chủ sạp cam kết, nếu mua sỉ nguyên thùng thì ngày sản xuất trên bao bì sẽ không bị tình trạng như vậy.

Các loại hàng hoá được nhập khẩu vào Việt Nam nhất là các loại hàng hoá tiêu dùng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan không có nhãn phụ tiếng Việt, thông tin nhãn mác sơ sài dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là với các thực phẩm có phẩm màu loè loẹt. Dù đã được khuyến cáo không được kinh doanh, nhưng một số chủ cửa hàng bất chấp mọi quy định, vẫn bày bán công khai tại các chợ truyền thống.

Nhiều sản phẩm hoa quả sấy dẻo được bao gói cẩn thận, nhưng thông tin nhãn mác sơ sài, không có nhãn phụ tiếng Việt vẫn được bày bán công khai tại chợ Vinh. Ảnh minh họa

Theo quy định của pháp luật, tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về dán nhãn phụ tiếng Việt lên sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc, được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa từ tiếng nước nước ngoài sang tiếng Việt. Đồng thời, bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu buộc phải có nhãn phụ Tiếng Việt

Cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài bắt buộc phải tiến hành ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam cho sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Trong điều kiện kinh tế mở cửa như hiện nay, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài đã trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng đúng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng, Việt Nam đã có những quy định pháp luật cụ thể về việc ghi nhãn phụ tiếng Việt cho các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, một số tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa và tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh chưa thực hiện đúng việc ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam đối với hàng hóa là hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, người tiêu dùng khi kiểm tra kiểm soát, sử dụng sản phẩm.

Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này".

Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP.

Câu chuyện hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam không có nhãn phụ tiếng Việt được bày bán công khai là câu chuyện không mới, nhưng những hệ luỵ và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng là có thật. Trước thực trang nêu trân và những bất cập trong quản lý và kiểm soát các loại hàng hoá này, rất cần được lực lượng chức năng để tâm hơn.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang