Cảnh giác trước thủ đoạn mua hàng trả góp, quy đổi tiền mặt

author 06:34 04/02/2024

(VietQ.vn) - Lợi dụng nhu cầu chi tiêu tăng cao vào dịp cuối năm, các đối tượng lừa đảo tìm cách tiếp cận nạn nhân để tư vấn cách thức vay tiền nhanh thông qua việc mua hàng điện tử trả góp.

Dịp cuối năm, nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gia tăng, khách hàng có nhu cầu vay từ ngân hàng thương mại, công ty tài chính là rất lớn. Tuy nhiên, khách hàng cần cảnh giác để tránh "sập bẫy" lừa đảo của các đối tượng mạo danh ngân hàng thương mại, công ty tài chính.

Cụ thể, đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn vay số tiền lớn một cách nhanh chóng, đối tượng lừa đảo đã tạo ra các website, ứng dụng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng mạo danh các công ty tài chính.

Các kênh giả mạo của đối tượng trên được chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok… với các bài đăng chào mời vay tín chấp với những nội dung hấp dẫn như "lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp, nợ xấu vẫn vay được, chỉ cần CMND/CCCD và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM". Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng số điện thoại của mình với danh nghĩa người thân nạn nhân trong hợp đồng vay khi các công ty tài chính yêu cầu cung cấp số điện thoại tham chiếu để thực hiện trong hợp đồng.

 Khuyến cáo phòng tránh lừa đảo mua trả góp đồ điện tử đến khách hàng. Ảnh: Hom Credit

Sau đó, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đến cửa hàng điện máy để mua hàng trả góp và hỗ trợ khoản tiền trả trước của món hàng nhằm tạo niềm tin đối với nạn nhân. Với mỗi hợp đồng trả góp thành công, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân một số tiền nhỏ để thu mua sản phẩm, đồng thời lấy sản phẩm bán ra ngoài để chiếm đoạt số tiền chênh lệch (khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng, tùy theo giá trị của sản phẩm).

Sau khi sập bẫy, các nạn nhân sẽ mất một khoản phí hỗ trợ làm hợp đồng khá cao cho đối tượng lừa đảo (dao động 30% – 40% giá trị sản phẩm) đồng thời gánh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền trong hợp đồng trả góp tại các công ty tài chính. Việc này có thể khiến khách hàng dễ dàng mắc nợ và gặp rủi ro khác như ghi nhận nợ xấu trên CIC nếu khách hàng không thanh toán đầy đủ và đúng hạn; từ đó, ảnh hưởng đến việc sử dụng các sản phẩm tài chính và khả năng vay vốn trong tương lai.

Trên thực tế thủ đoạn này không phải xuất hiện lần đầu nhưng với những vỏ bọc khác nhau, các đối tượng lừa đảo vẫn đưa nhiều nạn nhân vào bẫy. Trước thực trạng này, các công ty, tổ chức tài chính cũng như cơ quan chức năng liên tục đưa ra các cảnh báo tới người dân.

Theo đó, để tránh các trường hợp xấu trên, khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt thông tin và hình ảnh trên CMND/CCCD, cảnh giác với các chiêu trò của các đối tượng xấu như quảng bá vay tiền nhanh thông qua hình thức mua hàng điện tử quy đổi tiền mặt đồng thời tìm hiểu kỹ về hợp đồng trả góp, đặc biệt là trách nhiệm thanh toán đối với hợp đồng do mình đứng tên.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang