Cảnh sát phạt nhiều lỗi không chuyển quyền sở hữu xe

author 09:41 15/11/2012

(VietQ.vn) - Sau 5 ngày Nghị định 71 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ có hiệu lực, Phòng CSGT (PC67 - Công an TP. Hà Nội) cho biết toàn bộ các quận, huyện mới chỉ có 38 trường hợp xe máy làm thủ tục sang tên đổi chủ. Cảnh sát cũng đã xử phạt nhiều trường hợp do lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định".

Theo đánh giá của Đội Đăng ký - Quản lý phương tiện PC67 Công an TP Hà Nội), những ngày qua, số người liên hệ với các điểm đăng ký xe, tìm hiểu thủ tục sang tên đổi chủ tăng vọt. 

Lý giải hiện tượng này, một đại diện đội đăng ký cho rằng nhiều người lo ngại gặp rắc rối sau khi quy định tăng mức xử phạt xe mua bán không chuyển quyền sở hữu, có hiệu lực. Tuy nhiên, người đến liên hệ đội đăng ký ở Phòng PC67 cũng như điểm đăng ký ở quận huyện, chủ yếu là tìm hiểu, còn chính thức làm thủ tục sang tên còn rất ít. 
 
Theo đó, sau 5 ngày, toàn bộ điểm đăng ký xe tại các quận huyện báo cáo về, có 138 ô tô được làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Trong đó 122 trường hợp đổi chủ trong thành phố với nhau, và 61 mang BKS tỉnh ngoài đổi sang biển Hà Nội. Riêng xe máy, toàn thành phố Hà Nội chỉ có 38 trường hợp làm thủ tục đổi chủ.
Nhiều trường hợp xe không chính chủ đã bị cảnh sát phạt. Điều này đang trái với lời của lãnh đạo Bộ Công an nói với cơ quan báo chí và người dân
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ xe của người dân
 
Một thống kê của Đội Đăng ký - Quản lý phương tiện (PC67 - Hà Nội) cho thấy, từ đầu năm đến nay, có hơn 12.000 xe ô tô làm thủ tục sang tên đổi chủ trên toàn thành phố trong khi chỉ 582 xe máy được chuyển quyền sở hữu.
 
Vị đại diện phụ trách đăng ký phương tiện tại Hà Nội đánh giá, 5 ngày qua, con số này cao hơn những ngày bình thường trước đó. Tuy nhiên còn rất thấp. 
 
Ước tính, có 4,4 triệu xe máy (mang BKS Hà Nội), chưa kể xe mang BKS các tỉnh lưu thông tại Hà Nội, và khoảng 450 nghìn ô tô. Mặc dù lượng xe máy đông đảo gấp 10 lần, nhưng số xe máy được làm thủ tục đổi chủ lại ít hơn hẳn so với ô tô.
 
Đại diện đội đăng ký (PC67 - Hà Nội) cũng cho biết, nhiều trường hợp đến tìm hiểu thủ tục, nhưng vì giấy tờ chưa đầy đủ, đã quay về.
 
Cũng theo CSGT TP. Hà Nội, từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, cảnh sát đã lập biên bản và xử phạt 15 trường hợp vi phạm lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định".
 
Theo Công điện 141 ngày 11/11 gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố của Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII-Bộ Công an), trường hợp người điều khiển xe trên đường có giấy tờ xe không chính chủ mà người đó nói là xe mượn của người thân, xe thuê thì chưa xử phạt.
 
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng cục cảnh sát giao thông đường bộ, quy định người mua bán, chuyển nhượng phương tiện giao thông đã có từ năm 1995. Gần đây nhất là Nghị định 33, 34, rồi Thông tư 36 của Bộ Công an đã quy định chi tiết việc sang tên đổi chủ như sau: Người bán xe phải trực tiếp thông báo việc bán xe cho Cảnh sát giao thông địa phương.
 
"Trong vòng một tháng, người bán và người mua phải có trách nhiệm sang tên đổi chủ. Nếu sau thời gian đó mà không thực hiện thì phải phạt theo tinh thần NĐ 71", thiếu tướng nói. 
 
Trần Lê
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang