Cao Bằng thu giữ 240 sản phẩm thực phẩm nhập lậu tại cơ sở kinh doanh

author 10:37 28/06/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cao Bằng vừa kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh và phát hiện trên 240 sản phẩm thực phẩm nhập lậu.

Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Cao Bằng tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh T.M, địa chỉ số 014 tổ 2, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng do ông H.Đ làm chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1, phát hiện tại cửa hàng của hộ kinh doanh T.M đang bày bán 240 sản phẩm thực phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp gồm: 22 túi bim bim loại 168g có giá niêm yết 70.000 đồng/túi; 28 hộp bánh quy có giá niêm yết 50.000 đồng/hộp; 60 cái chân gà được đựng trong 60 gói nilon có giá niêm yết 10.000 đồng/gói; 40 cái cổ vịt được đựng trong 40 gói nilon có giá niêm yết 10.000 đồng/gói; 13 túi ngũ cốc hạt có giá niêm yết 90.000 đồng/túi; 18 túi bột sen ngũ cốc có giá niêm yết 90.000 đồng/túi; 36 túi bún ốc có giá niêm yết 50.000 đồng/túi; 04 túi bim bim loại 528g có giá niêm yết 150.000 đồng/túi; 19 gói nước cốt lẩu có giá niêm yết 55.000 đồng/gói. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 10.175.000 đồng.

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo Đội trưởng Đội QLTT số 1, xử phạt hộ kinh doanh T.M với số tiền là 10 triệu đồng, buộc hộ kinh doanh tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều loại thực phẩm nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Cao Bằng

Theo nhận định của lực lượng chức năng, thời gian qua đã phối hợp tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng hóa nhập lậu đối với mặt hàng thực phẩm tại các khu vực cửa khẩu, biên giới và thị trường nội địa, đặc biệt sau đợt dịch bệnh, đã mang lại kết quả khả quan; trong đó nhiều vụ việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu với số lượng lớn tang vật vi phạm là các loại thực phẩm đông lạnh có nguồn gốc động, thực vật.

Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc truy xuất các giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là động thực vật mang dịch bệnh, hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sức khỏe, môi sinh môi trường… dễ gây ô nhiễm môi trường, do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu hủy hàng hóa.

Cộng với đó, việc một bộ phận người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè, khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động nhập lậu thực phẩm vẫn lén lút diễn ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhất là thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động, thực vật…

Ngoài ra, việc hạn chế kinh phí kiểm nghiệm mẫu, tiêu hủy thực phẩm, công tác tuyên truyền… đã ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tỷ lệ số lượng mẫu được lấy để kiểm nghiệm chưa nhiều.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang