Cấu trúc lại để phát triển hiệu quả, bền vững ngành sầu riêng

author 09:07 12/09/2023

(VietQ.vn) - Sầu riêng đang trở thành ngành hàng quan trọng với giá trị xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá vỡ chuỗi liên kết, vi phạm quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn,… đã tác động xấu tới thương hiệu, uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam. Cần cấu trúc lại để phát triển hiệu quả, bền vững ngành sầu riêng.

Sáng 11/9/2023, tại Đăk Lăk, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan của tỉnh Đăk Lăk và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”. 

Cần cấu trúc lại để phát triển hiệu quả, bền vững ngành sầu riêng. 

Kiểm soát chặt chẽ việc cấp, quản lý mã số vùng trồng 

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thái Thanh- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ, hiện nay, trong liên kết cùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh những thuận lợi như điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển thì ngành hàng sầu riêng vẫn đang đối diện với một số khó khăn như: giao thông không thuận lợi, chi phí logistics cao chiếm 30% chi phí cấu thành giá,

“Hiện chưa có cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu, diện tích canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất, chưa có quy trình chuẩn từ cây giống, sản xuất nên chất lượng chưa thực sự ổn định, còn đối phó. Các liên kết giữa doanh nghiệp - nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao”- bà Thanh cho hay. 

Ông Nguyễn Hữu Chiến- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk nói “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng. Ông cho biết, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Khi tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”- ông Chiến bức xúc. 

Hơn nữa, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác. Bên cạnh đó, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Ông Chiến cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đang đánh nhau và tự thua trên sân nhà”. 

Giám đốc HTX Tân Lập Đông đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo ông Chiến, có những đơn vị “không cần làm gì” mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, doanh nghiệp trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá (2.000 đồng/kg) để mua từ người dân. Ông Chiến bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý, hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt mảng tiêu thụ sầu riêng, sau khi đã tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Doanh nghiệp sầu riêng cần bắt tay thay vì đối đầu

Ông Nguyễn Quốc Toản- Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, sầu riêng đã tăng trưởng nóng suốt mấy năm vừa qua, do vậy, phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

Theo ông Toản, có 6 nút thắt chính của ngành sầu riêng, đó là tăng trưởng nóng; cạnh tranh trong thu mua, gom hàng, đạo đức kinh doanh; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu; nguồn nhân lực, quy trình chuẩn. 

Để cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, ông Toản đề cao vai trò của chính quyền cơ sở. Đây là nơi sát với hoạt động thực tiễn của ngành hàng, có những chính sách điều hành, ứng phó kịp thời. Lấy ví dụ về việc Sơn La hỗ trợ cho các cơ sở sấy nhãn, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kêu gọi Sở NN&PTNT Đăk Lăk nói riêng và các vựa sầu riêng lớn khác nói chung quan tâm hơn đến sầu riêng cấp đông. Nếu giải quyết được chuyện này, sầu riêng của Việt Nam sẽ đến với thị trường quốc tế nhiều hơn. 

Ông Toản cũng đề nghị quan tâm hơn đến các thị trường khác, thông qua các FTA thế hệ mới. Hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu. 

Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm giao dịch với phía Trung Quốc trong lĩnh vực nông sản, ông Nông Ngọc Trung- Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn)- doanh nghiệp chuyên về chế biến sâu nông sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhìn nhận thực trạng, một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. 

Với tiềm năng về sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, theo ông Trung, các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả. Ông Trung kiến nghị Hiệp hội Sầu riêng kết nối các doanh nghiệp có đủ năng lực, tiềm năng tham gia vào chuỗi sản xuất để đưa sầu riêng Việt Nam nói chung và Đăk Lăk nói riêng vươn xa, từ nhà vườn đến thị trường. 

Tham dự Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, không chỉ sầu riêng, mà cả nền nông nghiệp của Việt Nam đang manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Việc chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, đóng gói, xuất khẩu chưa bền vững. 

Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau. 

Các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.

“Tất cả các chủ thể phải có niềm tin và phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ”. Đồng thời, phải hợp tác với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây thì đã không thể kiểm soát được nữa”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 Lê KIm Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang