CBAM: Động lực xây dựng kinh tế theo hướng phát triển bền vững

author 16:34 09/11/2023

(VietQ.vn) - CBAM của EU là thách thức đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các DN xuất khẩu hàng hóa tại Việt Nam, đồng thời cũng là động lực để DN hướng tới tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM): Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” do Trung tâm Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức.

Tác động lớn đến hàng hóa xuất khẩu

Theo ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách CIIS, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với 500 triệu người. Đặc biệt, sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Việt Nam đã xuất hàng hóa sang EU với giá trị gần 128 tỷ USD.  

“EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 3 của Việt Nam với 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 80% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này. Do đó, các chính sách liên quan đến nhập khẩu của EU đều ít nhiều tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

CBAM là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD), được xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu mà sẽ tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các DN”, ông Vũ đánh giá.

Thông tin về EGD, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) phân tích, EGD là phản ứng của EU đối với tình trạng khẩn cấp của các vấn đề môi trường, cụ thể là khí hậu toàn cầu. Mục tiêu của EU là giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030, so với mức của năm 1990. Đạt được mức giảm phát thải này là nội dung quan trọng để châu Âu trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên trên thế giới vào năm 2050.

CBAM cho phép đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU, dựa trên cường độ phát thải CO2 tại nước sở tại, bao gồm cả phát thải được tính trong quá trình sản xuất ra hàng hoá cũng như từ nguyên liệu đầu vào. Với việc tính phí này dự kiến sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Cơ chế này giúp làm cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu, nhằm ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp EU chuyển hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon sang các quốc gia khác để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo (rò rỉ carbon). EU tin rằng cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá carbon sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU”, ông Hưng phân tích.

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo.

Theo lộ trình đề ra, từ tháng 10/2023 CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp. Nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM. Từ tháng 1/2026 CBAM bắt đầu được dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh châu Âu (EU ETS).

Năm 2027, Ủy ban châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM và năm 2034 CBAM chính thức vận hành toàn bộ. Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa là sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen, điện và xi măng... Tuy nhiên, sau đó CBAM có thể sẽ mở rộng phạm vi áp dụng sang nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nữa.

Trước những thông tin được công bố về CBAM, Th.S Đặng Bùi Khuê, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Việt Nam cho biết, rất nhiều DN ngành sắt thép đang “quằn quại” trước những quy định về cơ chế này. “Bất động sản đóng băng trong gần 2 năm qua, DN gần như không bán được hàng cho thị trường trong nước. Thị trường quốc tế thì giảm sút đáng kể do suy thoái kinh tế, chiến tranh. Việc đánh thuế carbon dựa trên phát thải khí nhà kính gần như khiến DN lại đã khó lại càng chồng thêm khó”, ông Khuê nhấn mạnh.

Mở ra cơ hội cho phát triển bền vững

Bên cạnh việc chỉ ra những tác động của CBAM đối với hàng hóa xuất khẩu, Th.S Đặng Bùi Khuê cũng cho rằng, dù các quốc gia đang phản ứng khác nhau, không thể phủ nhận việc xanh hoá sản xuất là yêu cầu tất yếu để bảo vệ môi trường sống, duy trì sự phát triển bền vững. Việt Nam cũng cam kết đạt Net - zero vào năm 2050 và đang đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Trên thực tế, có rất nhiều cách để giảm phát lượng phát thải khí nhà kính. “Bên cạnh việc áp dụng các giải pháp nhằm tối ưu hóa sử dụng nguyên nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, thay đổi công nghệ giảm thiểu đốt bỏ khí đồng hành, khí thấp áp, bán phế phẩm công nghiệp cho DN khác để chế biến vật liệu mới … thì giải pháp nhằm tăng cường bù đắp carbon đang được một số DN sản xuất hiện nay áp dụng đó là trồng rừng. Việc trồng rừng không chỉ giới hạn ở các loại cây có khả năng hấp thụ CO2 cao mà còn phù hợp với thổ nhưỡng và sự phát triển kinh tế của địa phương”, ông Khuê phân tích.

 CBAM mở ra cơ hội “xuất khẩu” tín chỉ carbon từ cây dừa nước Việt Nam.

Cũng đi theo xu hướng nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn, ông Phan Minh Tiến, CEO Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) cho biết, CBAM đang mở ra cho công ty và bà con nông dân Cần Giờ cơ hội trong việc phát triển tín chỉ carbon. Với hơn 900 hecta vùng nguyên liệu tự nhiên, cây dừa nước không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cho bà con nông dân từ việc lấy mật dừa nước, phát triển du lịch bản địa, là giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu cho TP.HCM mà còn là “ngân hàng” tín chỉ carbon với trữ lượng đáng kể.

Theo tính toán của ông Tiến, mỗi cây dừa nước 5 năm tuổi sẽ bán được khoảng 2 USD, với số lượng 2.500 cây/hecta, nếu tính với giá thấp nhất hiện nay là 7 USD/tín chỉ thì hơn 900 hecta dừa nước tại Cần Giờ sẽ cho doanh thu thấp nhất là 115 triệu đồng/năm. Nếu kết hợp với các địa phương ven biển khác để trồng và khai thác, cây dừa nước sẽ cho một số lượng đáng kể trên sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam.

Th.S Đặng Bùi Khuê cũng đánh giá, hiện nay, giá 1 tín chỉ carbon (tương đương 1 tấn CO2) tại Việt Nam khoảng 10 USD nhưng tại EU đã tương đương với 100 USD. Đây là thị trường giao dịch nhiều tiềm năng và sẽ sôi động trong thời gian tới, tạo thêm giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xanh, không phát thải, nhất là khi Việt Nam chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang