CDC Mỹ liệt kê loại quả có nhiều ở Việt Nam vào nhóm “rau củ quả tốt nhất thế giới"

(VietQ.vn) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, quả ớt là một trong những loại quả giàu dinh dưỡng đem lại lợi ích cho sức khỏe người dùng.
Chuyên gia khuyến cáo cần lưu ý khi ăn trứng để giảm cân tốt cho sức khỏe
Chuyên gia lưu ý cách thoa dầu dưỡng tóc để không làm hỏng tóc và hại da đầu
Chuyên gia khuyến cáo nguồn vi và chỉ cách đơn giản để bảo vệ bản thân
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng công bố xếp hạng 47 loại trái cây và rau củ tốt nhất thế giới dựa trên điểm "mật độ dinh dưỡng". Trong đó, ớt đỏ được xếp ở vị trí 17, với số điểm là 41,26.
Ớt là một trong những loại gia vị quen thuộc với người Việt, có hương vị cay nồng, thường được sử dụng trong nhiều món ăn. Tại Việt Nam, ớt được trồng ở nhiều tỉnh thành khác nhau chẳng hạn như: Thái Bình, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Bình, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Nam Định... Ngoài làm gia vị, ớt cũng là một trong những loại quả giàu dinh dưỡng, có thể đem lại lợi ích sức khỏe.
Theo trang Healthline, trong 1 thìa canh (15 gam) ớt đỏ tươi, sống có chứa 6 calo, 88% nước, 0,3gam protein, 0,8gam đường, 0,2 chất xơ, 0,1 chất béo, 1,3 gam carbs. Ngoài ra, trong ớt còn chứa một lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu như: vitamin C, vitamin B6, vitamin K1, vitamin A, kali và đồng. Các chất dinh dưỡng này giúp ớt trở thành một trong những loại thực phẩm đem đến các lợi ích sức khỏe khác nhau.
Ăn ớt có thể giúp giảm mức cholesterol “xấu” LDL và hàm lượng triglyceride trong máu, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và hình thành cục máu đông, từ đó giảm nguy cơ mắc đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, hàm lượng kali dồi dào trong ớt cũng có tác dụng làm thư giãn mạch máu, ổn định lưu lượng máu trong hệ tuần hoàn và giúp tim mạch luôn khỏe mạnh.

Ớt đỏ rất tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều. Ảnh minh họa
Với hàm lượng vitamin A và C phong phú, ăn ớt giúp tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Vitamin A cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vitamin A giúp duy trì sức khỏe của màng nhầy, hệ hô hấp và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi các tác nhân gây bệnh.
Có một số nghiên cứu đã phân tích về tính cay nóng của ớt cho thấy ớt có khả năng sát trùng khá cao. Hơn nữa những thực phẩm được thêm ớt sẽ lâu hỏng và hạn chế mức độ xâm nhập của vi khuẩn. Do vậy ớt được đưa vào nghiên cứu để khai thác triệt để công dụng nâng cao sức khỏe miễn dịch cho con người.
Trong diễn biến liên quan tới những tác dụng tốt của quả ớt, Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, theo nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho hay ớt có chứa nhiều C9H14O2 dồi dào. Đây là chất được gọi là capsaicin có tác dụng tốt với bệnh như ung thư dạ dày và ung thư tuyến tiền liệt. Theo nhận định khoa học thì ăn ớt cay trái càng mọng càng có khả năng chống bệnh tốt hơn.
Theo ghi chép của Đông y, vị cay nồng và nóng của ớt có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là capsaicin một chất chủ yếu tạo ra vị cay giúp não sản sinh ra hormone endorphin. Chất này ngoài giảm đau hiệu quả còn giúp điều trị các nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Theo một nghiên cứu tại Úc, ăn ớt cay thường xuyên sẽ giúp cơ thể kiểm soát insulin trong máu. Đây là tác dụng có ích đối với bệnh nhân tiểu đường. Theo phân tích thống kê, người ăn ớt đã giảm đến 60% lượng đường huyết so với nhóm bệnh nhân không có thói quen ăn ớt cay. Do vậy đây là một gia vị không nên bỏ đối với người đang bị bệnh tiểu đường. Việc bổ sung ớt vào chế độ ăn uống có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu, hỗ trợ kiểm soát insulin, đặc biệt hữu ích cho người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Capsaicin không chỉ là chất chống ung thư mà còn mang lại công dụng giảm đau giống như nguyên lý hoạt động của thuốc tê. Do đó, khi ăn ớt cay cảm giác đau sẽ không truyền được xung nhịp lên hệ thần kinh. Nhờ vậy mà cơ thể sẽ giảm xuất hiện đau nhức khó chịu.
Ớt là loại quả có thể mang lại nhiều công dụng diệu kỳ và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người không nên ăn ớt quá thường xuyên vì chúng rất cay và nóng. Việc tiêu thụ ớt cần phải được điều chỉnh phù hợp với tình trạng của mỗi cá nhân và tránh lạm dụng để không gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, những người có vấn đề về dạ dày, tá tràng hay mắc bệnh trĩ nên hạn chế ăn ớt để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Những bệnh nhân mắc một số bệnh như bệnh tim, bệnh não, bệnh huyết quản hoặc huyết áp cao đều không nên ăn ớt. Tuy rằng ớt có thể phòng ngừa ung thư dạ dày nhưng với đối tượng đã mắc chứng viêm loét dạ dày lại không nên ăn.
Thai phụ đặc biệt không nên sử dụng ớt trong thực đơn. Tuy rằng một số vùng miền có phong tục dùng ớt là gia vị chính trong món ăn nhưng điều này là nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Tính nóng cay nồng của ớt sẽ khiến người mẹ bốc hỏa ảnh hưởng tới sức khỏe và hạn chế khả năng hấp thụ dinh dưỡng của thai nhi khi cơ thể mẹ không được điều hòa. Thêm vào đó, khi mẹ ăn cay đi vào sữa, trẻ bú cũng sẽ khiến em bé bị bốc hỏa khó ngủ và thường xuyên quấy khóc.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7397:2014 về tương ớt
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ban hành tiêu chuẩn này áp dụng cho tương ớt được tiêu thụ trực tiếp, bao gồm cả “cung cấp suất ăn sẵn” hoặc để đóng gói lại, nếu cần. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho sản phẩm được dùng để chế biến tiếp theo.
Sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này phải bao gồm các thành phần sau: ớt tươi hoặc ớt chế biến như ớt bột nghiền từ ớt khô, ớt rang, ớt nghiền, ớt ngâm dấm hoặc ngâm nước muối; dấm hoặc axit được phép sử dụng; muối; nước.
Yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng tương ớt phải có màu sắc, hương và vị đặc trưng cho loại nguyên liệu được sử dụng và có trạng thái đặc trưng của sản phẩm.
Tiêu chuẩn này cũng yêu cầu các tạp chất thực vật có nghĩa là bất kỳ phần nào của thực vật (như cuống, lá, đài và thân) không gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng có ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài của sản phẩm cuối cùng. Sản phẩm hầu như không có vết đốm đen hoặc chấm đen, hạt bị mất màu hoặc có các mảng bị mất màu khác thường và tạp chất thực vật, trừ các vết đốm đen hoặc chấm đen xuất hiện tự nhiên trong quá trình chế biến tương ớt, ví dụ: xuất hiện trong quá trình rang. Hộp bị coi là khuyết tật khi không đáp ứng một hoặc một số các yêu cầu chất lượng quy định trong tiêu chuẩn này.
Lô hàng được coi là đạt chất lượng khi số “khuyết tật" theo định nghĩa không vượt quá số chấp nhận của phương án lấy mẫu thích hợp với mức chất lượng có thể chấp nhận được bằng 6,5.
Chỉ sử dụng các phụ gia thực phẩm được cho phép nhằm điều chỉnh công nghệ và có thể sử dụng cho các sản phẩm nêu trong tiêu chuẩn này. Trong mỗi nhóm phụ gia, chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm được liệt kê dưới đây hoặc được đề cập đến và chỉ sử dụng đúng chức năng, trong giới hạn quy định, cụ thể gồm: Chất điều chỉnh độ axit, chất chống ôxi hóa, phẩm màu, chất tạo hương, chất bảo quản, chất tạo ngọt và chất tạo đông, được sử dụng trong thực phẩm.
Vân Thảo (T/h)