CEO Tiki: Dù ‘chắc chân’ trên thị trường nhưng không quên lúc ‘khởi nghiệp’ đầu tiên

authorThúy Ngân 16:41 11/11/2018

(VietQ.vn) - ‘Vén màn’ khởi nghiệp bằng 5.000 USD tiết kiệm và hơn 100 đầu sách trong nhà xe, anh Trần Ngọc Thái Sơn đã trở thành giám đốc của một website thương mại điện tử mang tên Tiki với 350.000 sản phẩm thuộc 12 danh mục khác nhau.

Sau 8 năm gia nhập thị trường (2010), Tiki đã chuyển mình ngoạn mục, lọt vào top những trang thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam. Từ số lượng khách hàng ban đầu tại TP.HCM, hiện Tiki đang phục vụ hơn 3 triệu khách hàng trên toàn quốc. Đặc biệt hơn, người đứng đầu Tiki vinh dự lọt vào top 30 nhà sáng lập startup công nghệ Đông Nam Á do TechinAsia bình chọn.

Khởi nghiệp từ đam mê đọc sách

Trần Ngọc Thái Sơn tốt nghiệp thạc sĩ thương mại điện tử Đại học New South Wales, Úc năm 2007. Sau một thời gian làm việc cho công ty quảng cáo trực tuyến tại Thái Lan, sơn quyết định thành lập Tiki.

Người đứng đầu Tiki lý giải, sở dĩ anh chọn khởi nghiệp từ việc bán sách online vì anh bức xúc khi đi tìm mua một quyển sách mà mất nhiều thời gian. Thấy được những bất cập trong việc tìm kiếm và chi phí… anh quyết định mở Tiki - một website thương mại điện tử giúp khách hàng mua sắm nhanh và tiện lợi. “Tiki là tìm kiếm và tiết kiệm, đó cũng là phương châm của công ty tạo mọi thuận lợi cho khách hàng lên trang web tìm cái gì cũng có, tiết kiệm được thời gian. Dành thời gian cho gia đình, bạn bè…”, anh nói.

Sau một thời gian bán sách, Thái Sơn thấy đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ. Họ đều là những người vừa tốt nghiệp ở các trường đại học, trong đó không ít bạn tốt nghiệp đại học nước ngoài. “Họ tràn đầy nhiệt huyết và máu lửa với thương mại điện tử, muốn làm một cái gì đó cho Việt Nam”. Do đó, Tiki xây dựng được một hệ thống bán sách qua mạng và giao tận tay khách trải rộng khắp 63 tỉnh thành cả nước.

 CEO Trần Ngọc Thái Sơn lọt vào top 30 nhà sáng lập startup công nghệ Đông Nam Á do TechinAsia bình chọn.

CEO Tiki nói thêm, hồi nhỏ, nhà có tủ sách, đọc thấy vui, dần dần lúc nào rảnh là phải tìm cuốn sách yêu thích để đọc. Niềm mê say đọc sách hình thành từ lúc nào không biết... Vì thế, anh mong muốn Tiki có thể lan tỏa niềm vui đọc sách từ nhỏ cho các bạn trẻ.

Chỉ bốn năm sau khi thành lập (2014), Tiki được vinh danh với ba danh hiệu trong lĩnh vực thương mại điện tử "Dịch vụ chăm sóc khách hàng được ưa thích nhất", "Giao hàng được ưa thích nhất" và "Nhà sách trực tuyến được ưa thích nhất" do Sở Công thương TP.HCM, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chứng nhận và trao thưởng năm 2011 và 2012.

Đến nay, khi đã “chắc chân” trên thị trường, từ mô hình ban đầu là một trang bán sách, Tiki đã mở rộng với 350.000 mặt hàng thuộc 12 danh mục hàng hóa khác nhau: đồ điện tử, phụ kiện số, đồ gia dụng đến bán bảo hiểm, vé máy bay, voucher ăn uống, du lịch, dịch vụ mua giúp hàng từ nước ngoài (Tiki Global)… Tuy nhiên, Tiki vẫn không bỏ quên thị trường sách online, ngành “khởi nghiệp” đầu tiên.

Tôi không bỏ cuộc dù “leo núi” một mình

Thời điểm đó, trang web của Thái Sơn chỉ bán hơn 100 đầu sách tiếng anh đặt trong nhà xe của gia đình. Còn lại, văn phòng công ty được đặt trong phòng ngủ để tiện giao dịch khi khách hàng có nhu cầu.

CEO Tiki kể, lúc đó khi có đơn hàng, dù đêm đang ngủ anh cũng bật dậy, gói hàng và chuyển cho khách. Không giống những bạn trẻ khởi nghiệp khác, Sơn thành lập Tiki và bán hàng một mình. Tuy nhiên, anh không bỏ cuộc và quyết định.

Sau một thời gian bán hàng, anh hiểu thói quen tiêu dùng của khách hàng, nhất là những bạn trẻ. Họ không chỉ mua sách mà còn mua nhiều thứ khác. Do đó, chàng trai trẻ quyết định bán thêm những sản phẩm khác, như: văn phòng phẩm, mĩ phẩm.

Dù mở rộng các mặt hàng trên website, nhưng bán sách vẫn là đam mê trong Sơn. Do đó, từ 100 đầu sách với 20 đơn hàng/tháng, sau nhiều năm “chinh chiến”, con số đó đã nhân lên vài trăm cuốn.

Chinh phục “cá mập” nhờ “át chủ bài”

Việc gọi vốn thành công từ nhiều quỹ, tập đoàn lớn, Thái Sơn nhận định, để chinh phục “cá mập” cần có đam mê, kinh nghiệm và quy mô thị trường. Nhà đầu tư sẽ không tin tưởng những người thiếu am hiểu lĩnh vực mà họ kinh doanh. Họ cũng lắc đầu nếu bạn có đam mê, kiến thức nhưng thị trường quá nhỏ.

Anh cho rằng, nhiều nhà đầu tư cam kết đầu tư nhưng không rót vốn vì phát hiện nhiều lỗ hổng trong quá trình thẩm định doanh nghiệp. Vì vậy, anh luôn đề cao sự trung thực, chính xác thông tin trước nhà đầu tư. Trong trường hợp không nhớ số liệu, doanh nghiệp nên trả lợi lại qua email thay vid nói sai con số.

“Nếu thấy mối quan hệ có thể mâu thuẫn lợi ích trong tương lai như nhà đầu tư đã hợp tác với công ty đối thủ, chủ doanh nghiệp không nên gặp nhà đầu tư. Khi quyết định gặp, họ nên thật cởi mở. Thời gian là tiền bạc, mỗi lần gặp nhà đầu tư đều có giá trị”, Sơn nói.

Tiki đang đã phục vụ hơn 3 triệu khách hàng trên toàn quốc với 35.000 sản phẩm thuộc 20 ngành hàng.

CEO Tiki khẳng định, một kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng góp phần tăng thêm sự tin tưởng của nhà đầu tư. Công ty khởi nghiệp không thể thực hiện chính xác tỷ lệ sử dụng vốn như dự định ban đầu. Tuy nhiên, họ nên thường xuyên cập nhật tình hình, sự thay đổi trong mỗi lần gặp nhà đầu tư.

Nhà đầu tư là người đồng hành cùng doanh nghiệp, nên chọn người hiểu và tin tưởng startup. Những yêu cầu bắt buộc của quỹ đầu tư phù hợp với định hướng công ty, và người đại diện quỹ phải hợp với nhà sáng lập.

Nhà đầu tư có thể rót vốn nhưng họ không nắm quyền điều hành hay kiểm soát Tiki

Khi được hỏi về việc công ty liên tục được rót vốn, quyền điều hành hiện nay như thế nào? CEO Thái Sơn cho hay, những nhà đầu tư mang đến vốn và kinh nghiệm nhưng họ không nắm quyền điều hành hay kiểm soát Tiki. “Tiki tự hào là một công ty Việt Nam, được xây dựng bởi người Việt và cho người Việt”, anh nói.

Trong một thời gian ngắn, Công ty CP Tiki, đơn vị sở hữu website thương mại điện tử Tiki.vn đã hoàn thành hai vòng gọi vốn từ nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu là JD.com và gần đây nhất là SparkLabs Ventures; Công ty liên doanh thuộc tập đoàn SparkLabs Group (Hàn Quốc).

Trước đó, 8/2013, CyberAgent Ventures (Nhật Bản) là quỹ đầu tiên tham gia đầu tư vào Tiki.vn. Tiếp sau đó, Tiki nhận đợt đầu tư thứ hai từ Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Sau đợt đầu tư này Sumitomo giữ khoảng 30% cổ phần trong Tiki.vn, CyberAgent giữ 15% (giảm 7% so với ban đầu). Năm 2016, Công ty CP VNG mua 38% cổ phần Tiki với giá 384 tỉ đồng.

Thương mại điện tử vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những người đam mê khởi nghiệp. Ông chủ Tiki khuyên các bạn trẻ nên nhìn ra thế giới, các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để khám phá những ý tưởng mới mẻ rồi thay đổi, bản địa hóa và cố gắng phát triển nhiều hơn trong tương lai.

Thúy Ngân

Điện thoại không nhận sim hãy tự khắc phục bằng cách đơn giản này(VietQ.vn) - Điện thoại không nhận sim là lỗi thường gặp nhất nhiều người mắc. Vậy phải làm sao để có thể tự khắc phục tại nhà mà không phải mất tiền sửa?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang