Chấm điểm bộ, ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, hàng giả

author 09:42 06/12/2017

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang được các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh dịp cuối năm

Việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các tiêu chí như: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, công tác năm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện chỉ đạo về các vụ việc bắt giữ, điều tra, xử lý vi phạm;... Với mỗi tiêu chí đều có thang điểm chuẩn, điểm trừ. Tổng điểm chuẩn của các tiêu chí là 100.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xếp loại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo 4 mức: Loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) đạt từ 91 - 100 điểm; loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ); đạt từ 71 - 90 điểm; loại C (hoàn thành nhiệm vụ) đạt từ 51 - 70 điểm; loại D (không hoàn thành nhiệm vụ) đạt dưới 50 điểm.

Thời gian đánh giá kết quả công tác để chấm điểm từ ngày 16 tháng 11 của năm trước đến ngày 15 tháng 11 của năm báo cáo.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2017, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 đã phát hiện, xử lý 43.543 vụ việc về hàng giả và vi phạm SHTT. Hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm SHTT tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Năm 2017, nạn hàng giả và xâm phạm quyền SHTT diễn biến phức tạp với thủ đoạn sản xuất, kinh doanh ngày càng tinh vi, linh hoạt nên rất khó phát hiện và ngăn chặn triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều trường hợp, QLTT phải yêu cầu DN sản xuất phối hợp mới có thể phân biệt được hàng giả. Sau khi bị phát hiện, xử lý, các đối tượng vi phạm lập tức chuyển sang phương thức mới để đối phó, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đặc biệt, thời gian gần đây, vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT có yếu tố nước ngoài đã có những dấu hiệu đáng quan ngại. Xu hướng vi phạm về hàng giả có liên quan chặt chẽ tới việc nhập khẩu, đặt hàng, nhập linh kiện, nhập nguyên liệu, nhập bao bì, nhãn mác… từ nước ngoài vào trong nước với mức độ tác động lớn.

Các tổ chức vi phạm có sự cấu kết chặt chẽ, hình thành các quy trình chuyên biệt (sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả, kể cả các loại tem phản quang chống giả; sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói thành phẩm, đặt hàng, sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, phân phối). Nhằm tránh sự chú ý, phát hiện của cơ quan chức năng, trong một số trường hợp, hàng giả thường được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở nơi khác để lắp ráp. Thậm chí, có trường hợp thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua.

Thanh Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang