Chấn chỉnh nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng

author 10:23 06/06/2021

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng cần có những cơ chế xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm hàng hóa, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng

Hàng loạt nghệ sĩ 'tiếp tay' cho những nội dung quảng cáo sai lệch

Với sự phát triển của mạng xã hội, việc quảng cáo của nghệ sĩ ngày nay không chỉ giới hạn trên báo chí, truyền hình mà hoạt động giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng Facebook, TikTok hay YouTube ngày càng phổ biến, trong đó có việc nghệ sĩ trực tiếp phát đi thông tin, thông điệp quảng cáo trên trang cá nhân hoặc kênh riêng.

Hình thức quảng cáo này rất khó kiểm soát khi các nhãn hiệu, mặt hàng xuất hiện tràn lan. Công chúng nhiều khi không biết gì về nhà sản xuất lẫn sản phẩm mà chỉ nghe nghệ sĩ tán dương về tác dụng trên trời và tin tưởng mua dùng. Hàng loạt ngôi sao, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng như Quyền Linh, Vân Dung, Quang Thắng, Đan Trường.. quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... và bị phàn nàn là sản phẩm không đủ chất lượng hoặc công dụng bị nói quá lên. Lê Dương Bảo Lâm, Lê Giang… cũng từng quảng bá về kem trộn, thuốc giảm cân… khi các sản phẩm này chưa được kiểm chứng nguồn gốc.

Gần đây trên mạng xã hội, Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm… đồng loạt đăng tải bài viết về tiền ảo. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 làm đảo lộn đời sống của đám đông thì việc các nghệ sĩ bỗng quảng cáo về tiền điện tử trong khi bản thân họ không phải các chuyên gia tài chính, đã vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận.

Đám đông bày tỏ sự tức giận khi cho rằng tiền crypto mà các tên tuổi kể trên quảng bá vốn không có nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng đến đám đông nên việc quảng bá này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến những người không đủ hiểu biết về tiền ảo.

Hàng loạt người nổi tiếng quảng cáo tiền ảo bất hợp pháp. 

Trước sự việc trên, Ban tuyên giáo Thành uỷ TP. HCM gửi công văn nêu tình trạng một số nghệ sĩ ở TP HCM giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo..., có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dùng.

Ban tuyên giáo Thành ủy đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật thành phố phải yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.

Nghệ sĩ Quyền Linh từng đứng ra xin lỗi, xem đây là bài học để anh rút kinh nghiệm. Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm sau khi bị phản ứng tiêu cực cũng nhanh chóng xoá bài viết. Nam Thư còn lên tiếng xin lỗi. Cô cho biết nội dung bài đăng trên fanpage hoàn toàn sai nên chân thành gửi lời xin lỗi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc

Ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Tạ Quang Đông ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan cùng chấn chỉnh một số hiện tượng tiêu cực liên quan tới giới nghệ sĩ trên mạng xã hội, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.

Các hành vi tiêu cực được bộ nhắc tới như nghệ sĩ quảng cáo thuốc gây hiểu nhầm về công dụng của thuốc, đưa tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, xúc phạm cá nhân, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc.

Để chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực này, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sở VH-TT&DL, sở văn hóa - thể thao phối hợp chặt chẽ với sở thông tin - truyền thông và cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động diễn ra trên địa bàn.

Cụ thể, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại nghị định 144-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.

Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp có sai phạm.

Bộ đề nghị Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo với lãnh đạo các tổ chức thành viên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đến các hội viên; yêu cầu các hội viên tham gia hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan tỏa những việc làm tốt, những hình ảnh đẹp, tác phong, ứng xử văn hóa đến cộng đồng, xã hội và thực hiện nghiêm điều lệ, nội quy, quy chế của hội và các quy định pháp luật có liên quan.

Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cần tăng cường chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý hội viên.

Hình ảnh Hồng Vân đang quảng cáo cho một loại viên sủi giúp "đánh bay u xơ, u nang" khiến dư luận bức xúc, còn nghệ sĩ "hối tiếc sâu sắc" - Ảnh chụp màn hình 

Cần chế tài xử lý mạnh tay hơn

Nhiều luật sư cho rằng, nếu nghệ sỹ ký hợp đồng quảng cáo giới thiệu sản phẩm nhưng nói không đúng sự thật về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, người dùng không thấy có kết quả tốt như lời quảng cáo hoặc gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, người truyền tải quảng cáo đó phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T2H cho biết, hành vi quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm nghiệm chất lượng, trôi nổi trên thị trường thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Tuy nhiên, hiện Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về cho chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nghệ sỹ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.

Tương tự, luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu trường hợp bên sử dụng hình ảnh không làm đúng như thỏa thuận, nghệ sỹ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, thậm chí kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng về hình ảnh, quyền lợi. Bên sai phạm buộc phải gỡ các hình ảnh, clip quảng cáo, phát ngôn sử dụng sai mục đích, đồng thời xin lỗi công khai, bồi thường cho bên còn lại. Đồng thời, hợp đồng khi ký kết cần có các điều khoản quy định thật chặt chẽ để dễ xử lý nếu xảy ra vấn đề.

Tuy nhiên, đây cũng không phải căn cứ để nghệ sỹ, người nổi tiếng được quyền chủ quan, lơ là, cứ gặp sự cố rồi tái diễn lại. Bởi việc quảng cáo có ảnh hưởng đến cộng đồng, sự cân nhắc được mất, lợi hại luôn phải nằm ở ưu tiên hàng đầu.

Theo khoản 1, điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo sẽ phạt tiền 50 -70 triệu đồng với cá nhân, tổ chức nếu có hành vi quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ cấm. Nghị định này có quy định phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Trong lúc chưa có chế tài xử phạt phù hợp, luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần kêu gọi nghệ sỹ nâng cao trách nhiệm với cộng đồng trong việc tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc các nghệ sỹ nhận lời quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội không còn là chuyện mới mẻ. Thù lao từ việc quảng cáo những sản phẩm này là rất lớn, tuy nhiên người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả. Vì vậy, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, các ban ngành đã bắt đầu có những động thái nhằm siết việc quảng cáo tràn lan, thiếu trách nhiệm của nghệ sỹ, người nổi tiếng. Với những gì đã và đang diễn ra, chính những người nghệ sỹ cũng phải tự tạo bộ lọc cho mình, chứ không nên chờ sự tác động từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là động thái cần thiết để nhắc nhở các nghệ sỹ cần nhìn lại việc làm của mình; họ phải có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng.

Song song đó, bên cạnh việc vận động, nhắc nhở, ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể mang tính lâu dài như quy định xử phạt để sớm chấm dứt tình trạng quảng cáo sản phẩm tùy tiện trên mạng xã hội, nhất là đối với người nổi tiếng, những người luôn có một lượng lớn người hâm mộ tin tưởng và làm theo.

Bảo Lâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang