Chất cấm có trong loại mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland độc hại tới mức nào?

author 13:05 28/08/2021

(VietQ.vn) - Chất cấm Ethylene Oxide (EO) có trong mì Hảo Hảo thu hồi tại Ireland là chất bị châu Âu cấm sử dụng để khử trùng thực phẩm. Chất này có khả năng là tác nhân gây nên ung thư.

Thời gian gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm tới việc sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland quyết định thu hồi do chứa chất cấm Ethylene Oxide (EO). Trước thông tin này, không ít người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng và thắc mắc về việc Ethylene Oxide có hại ra sao đối với sức khỏe con người.

Được biết, Ethylene Oxide (EO) còn gọi là oxiran và epoxit, là hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Về ứng dụng và mục đích sử dụng, EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).

Tại châu Âu, EO được xếp loại là sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép. EO được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản và ở loại 3 về độc tính cấp tính, theo quy định Reg.1223/2009/EC của Hội đồng châu Âu.

Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Cụ thể, chất này khi nhiễm vào cơ thể sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản. Ung thư bạch huyết và bạch cầu là những bệnh ung thư được báo cáo nhiều nhất có liên quan đến Ethylen Oxide thông qua tiếp xúc nghề nghiệp. Ung thư dạ dày và ung thư vú cũng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylen Oxide.

Sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good bị cảnh báo có chứa chất cấm Ethylene Oxide.

 

Các con đường tiếp xúc chính của con người với Ethylene Oxide là hít vào và nuốt phải, có thể xảy ra khi tiếp xúc nghề nghiệp, là người tiêu dùng mua phải sản phẩm có chứa chất này hoặc có trong môi trường sống, làm việc.

Vì Ethylen Oxide rất dễ nổ và dễ phản ứng, thiết bị được sử dụng để chế biến nó thường bao gồm các hệ thống khép kín và tự động hóa cao, giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp. Bất chấp những biện pháp phòng ngừa này, công nhân và những người sống gần các cơ sở công nghiệp sản xuất hoặc sử dụng Ethylen Oxide có thể tiếp xúc với nó thông qua khí thải công nghiệp không được kiểm soát. Người dân nói chung cũng có thể tiếp xúc với khói thuốc lá và sử dụng các sản phẩm đã được khử trùng bằng Ethylene Oxide như các sản phẩm y tế, mỹ phẩm...

Nhóm đối tượng nào có nguy cơ tiếp xúc với Ethylene Oxide cao nhất là công nhân trong các nhà máy sử dụng Ethylen Oxide để sản xuất dung môi, chất chống đông, hàng dệt, chất tẩy rửa, keo bọt nở polyurethane; Công nhân nhà máy làm việc trong các nhà máy sản xuất Ethylene Oxide; Nông dân dùng Ethylene Oxide trong nông nghiệp để kiểm soát côn trùng, sâu bọ, hạn chế tối đa thiệt hại mùa màng; Nhân viên bệnh viện sử dụng để khử trùng thiết bị và vật tư y tế.

Theo một báo cáo, đã có tới hơn 500 báo cáo tại châu Âu về việc ô nhiễm chất Ethylene Oxide trong thực phẩm tính từ đầu năm 2020. Những báo cáo này chủ yếu bao gồm việc lạm dụng hóa chất trong cuộc sống ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến như: chất bảo quản trong thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ cỏ, thuốc diệt sâu bọ, diệt nấm…).

Trước đó, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland quyết định thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất vì sử dụng chất không được phép. Cụ thể, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.

Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120 g, hạn sử dụng đến 30/11/2022); trong đó, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngay khi nắm được thông tin cảnh báo, Bộ Công Thương đã đề nghị Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide (chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT trong sản phẩm như cảnh báo nêu).

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm Việt Nam và quy định có liên quan, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả các thương hiệu ngoại, đứng đầu thị trường là 4 ông lớn: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods.

Nhóm "big 4" này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, riêng Acecook Việt Nam sản xuất khoảng 2,5 tỉ gói mì/năm, trong đó 10% sản phẩm dành cho thị trường xuẩt khẩu.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang