Chất Sorbitol có trong kẹo rau củ Kera do Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo có ảnh hưởng gì?

author 08:09 21/03/2025

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (kẹo rau củ Kera) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt kinh doanh. Kết quả cho thấy sản phẩm này có chứa chất tạo ngọt Sorbitol với hàm lượng 33,4 g/100g. Tuy nhiên, thành phần này lại không được ghi trên nhãn sản phẩm như quy định. Vậy chất tạo ngọt Sorbitol là gì, có tác dụng như thế nào?

Chất tạo ngọt Sorbitol là gì?

Chất tạo ngọt Sorbitol được biết đến là hóa chất dạng chất lỏng màu trắng, không mùi, vị ngọt và tan hoàn toàn trong nước, rượu. Sobitol thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm. Nó còn có tác dụng tạo độ bóng và giữ độ ẩm cho thực phẩm.

Trong công nghiệp, Sorbitol được sản xuất từ glucose dưới tác dụng của nhiệt độ và áp suất cao hydro hóa với niken, có thể hiểu là đường glucose được hydro hóa với xúc tác Niken sẽ tạo thành Sorbitol.

Kẹo rau củ Kera có chứa chất tạo ngọt Sorbitol với hàm lượng 33,4 g/100g.

Sorbitol còn được gọi là đường đơn sorbitol với công thức hóa học C6H14O6. Ngoài tên gọi Sorbitol, hóa chất này còn có các tên gọi khác là glucohexitol, sorbite, sorbol, glucitol, hexa-ancol.

Trong tự nhiên chất này thường được tách chiết trong các loại trái cây và rau như ngô, bí ngô, quả táo, quả lê, quả dâu rừng, đào, mận khô… Ngoài ra, Sorbitol còn có tính khử, không thể lên men và rất bền trước sự tấn công của vi khuẩn. Sorbitol có khả năng tạo phức với kim loại nặng góp phần cải thiện việc bảo quản các sản phẩm béo.

Các ứng dụng của Sorbitol

Trong thực phẩm: Với 1g Sorbitol chỉ chứa 2.6 calo, vì vậy trong sản xuất bánh kẹo và đồ uống, Sorbitol được dùng thay thế đường truyền thống để giảm hàm lượng calo. Bên cạnh đó, tốc độ hấp thụ sorbitol của cơ thể cũng chậm nên hợp chất này được dùng như chất tạo ngọt cho bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, chất này còn có tác dụng giữ ẩm cho bánh quy, trái cây, bơ, đậu phộng.

Sorbitol thường có trong kẹo bạc hà, siro ho và một số loại kẹo không đường,... Đây là chất thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm với liều lượng cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hợp chất ngọt giống 60% đường mía và có vị thanh mát.

Trong mỹ phẩm: Sorbitol được kiểm định bởi FDA về độ an toàn cho da trước khi đưa vào mỹ phẩm. Hợp chất là thành phần có trong một số loại kem dưỡng da giúp da mềm mịn, trắng sáng hơn. Ngoài ra còn có tác dụng giữ ẩm nên được dùng trong các loại gel dưỡng ẩm, kem đánh răng,...

Trong y dược: Sorbitol còn là tên một loại thuốc được dùng trong ngành y dược, có tác dụng nhuận tràng. Sorbitol hoạt động bằng cách hút nước vào lòng ruột từ các mô xung quanh để thúc đẩy nhu động ruột từ 15 phút đến 1 giờ sau khi uống. Ngoài ra, Sorbitol còn được dùng để điều chế vitamin C, một số loại thuốc dạng viên và thuốc bổ cũng như giúp điều trị tăng kali trong máu, ổn định huyền phù đối với các bệnh nhân tiểu đường.

Trong phòng thí nghiệm: Sorbitol được xác định là chất trung gian hoá học quan trọng tiềm năng giúp điều trị tăng calo trong máu, làm nhiên liệu sinh hóa. Ngoài ra, hợp chất này còn được dùng làm môi trường nuôi cấy để phân biệt chủng Escherichia coli O157:H7 khỏi hầu hết các chủng E.coli.

Trong ngành công nghiệp: Sorbitol được dùng trong ngành công nghiệp sản xuất hợp chất sơn, polymer, keo dán, chất dẻo,... Sorbitol còn là chất tạo nền để sản xuất điều chế một số loại nước tẩy rửa, hạn chế và ngăn chặn sự ăn mòn kim loại bị oxi hóa.

Theo chuyên gia y tế, tuy lợi ích mà Sorbitol đem lại là rất lớn nhưng nếu sử dụng quá liều có thể gây nên tác dụng phụ nghiêm trọng. Với người bị táo bón hay các bệnh liên quan đến gan và thận thì nên lưu ý trước khi dùng sorbitol vì nếu sử dụng quá nhiều sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Khi dùng sorbitol như thuốc nhuận tràng, người dùng cần phải chú ý về các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc.

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo mới nhất về chất làm ngọt nhân tạo, chất ngọt không phải đường (NSS). Trước đó, vào tháng 7 năm 2022, Cơ quan y tế này đã ban hành dự thảo hướng dẫn chống lại chất làm ngọt và đưa ra tham vấn cộng đồng.

Theo WHO, chất làm ngọt nhân tạo có thể không giúp mọi người giảm cân như ý muốn. Việc sử dụng NSS lâu dài có khả năng gây ra tác động không mong muốn như gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường týp 2, các bệnh tim mạch và tử vong ở người lớn. WHO cho biết khuyến nghị mới này áp dụng cho tất cả mọi người, trừ những người đã mắc bệnh tiểu đường. WHO trước đây đã khuyên người lớn và trẻ em nên hạn chế lượng đường ăn vào ở mức 10% tổng năng lượng tiêu thụ.

 Cẩm Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang