Chế tài nào cho hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc?

author 08:59 26/01/2022

(VietQ.vn) - Hội đồng tiêu hủy, Công an tỉnh Lào Cai vừa tổ chức tiêu hủy 4 lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ do Phòng Cảnh sát môi trường thu giữ trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán năm 2022.

Trước đó, qua công tác rà soát, nắm thông tin trên địa bàn TP.Lào Cai, từ tháng 11/2021 đến cuối tháng 1/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lào Cai liên tiếp phát hiện, kiểm tra và thu giữ 4 lô hàng thực phẩm gồm: 21.010 gói kẹo sữa, 7.200 gói kẹo dẻo, 4.480 bánh mô chi, 225 hộp bánh nhân đỗ và 640 kg trứng gà non đông lạnh. Cả 4 lô hàng trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ các lô hàng, đồng thời xử phạt hành chính 4 chủ các lô hàng trên theo quy định của pháp luật. Mới đây nhất, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy các lô hàng trên. Việc tiêu hủy thực hiện đúng theo quy định và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

 Lào Cai tiêu hủy 4 lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên mạng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn khi mua, sử dụng. Việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Theo Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, Nghị định 98/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khoản 13, Điều 3 quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật

Điều 17 quy định các mức xử phạt tương ứng đối các hành vi vi phạm. Theo đó, trường hợp người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi này lên đến 50 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Trường hợp hàng hóa vi phạm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế thì mức phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định nêu trên.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị chế tài phạt bổ sung là tịch thu tang vật và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang