Chế tài nào cho hành vi sản xuất phân bón trái phép?

author 08:11 14/09/2022

(VietQ.vn) - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lâm Đồng vừa bắt quả tang một cơ sở sản xuất hàng tấn phân bón trái phép tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Sau nhiều ngày theo dõi, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng, Đội quản lý thị trường số 2 kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Voi Con Đà Lạt trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Cở sở này do ông Lê Văn Quang (38 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Voi Con Đà Lạt làm chủ. Thời điểm kiểm tra, ông Quang đang thực hiện sang chiết phân bón từ bao 25kg nhãn hiệu “Hai Binh” xuất xứ Trung Quốc vào bao 1kg nhãn hiệu “Suluble Humic Acid Powder” xuất xứ Mỹ.

 Bắt quả tang cơ sở sản xuất hàng tấn phân bón trái phép tại Lâm Đồng. 

Ông Quang khai nhận mua phân bón của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hải Bình, sau đó đóng gói vào bao bì giả nhãn mác xuất xứ rồi phân phối cho các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn. Cơ quan công an đã lập biên bản niêm phong, thu giữ 39 bao phân bón Hai Binh với tổng trọng lượng hơn 1 tấn, cùng các loại máy móc sang chiết, đóng gói tại kho hàng nói trên. Đồng thời, thu hồi gần 1 tấn phân bón đã được công ty TNHH Voi Con Đà Lạt đã đóng gói, phân phối cho các đại lý. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo Nghị định số 15/2010/NĐ-CP tại Điều 7 quy định hành vi sản xuất phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng bị xử lý hành chính là phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Tại Điều 10 quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương với hàng thật từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng bị xử lý hành chính phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Hình phạt bổ sung đối với hai hành vi nêu trên là tịch thu và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả, chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy.

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 15 quy định: “Các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, gia công phân bón, kinh doanh phân bón giả quy định tại Nghị định này nếu có giá trị tương đương hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Về xử lý hình sự, Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đối với người có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả thì tùy từng trường hợp, tình tiết, người này có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm và bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản phẩm phân bón, hiện có Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT Chất lượng phân bón Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Ngoài ra, mẫu phân bón được lấy để xác định hàm lượng các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế theo phương pháp lấy mẫu được quy định tại TCVN 9486:2018 Phân bón - Phương pháp lấy mẫu và TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang