Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

author 18:43 27/12/2015

(VietQ.vn) - Hiện nay, ở Việt Nam có 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Từ đó, đặt ra bài toán phải làm sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.

Sự kiện: Chỉ dẫn địa lý: Bảo vệ thương hiệu Việt

Là một quốc gia có nền nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều sản phẩm có chất lượng, danh tiếng, tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế cao gắn với các địa danh cụ thể. Để phát triển những sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ cho các địa phương trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản ở trong nước.

Việt Nam hiện có 43 sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Việt Nam hiện có 43 sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, vì vậy, Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý thông qua các cơ quan chức năng, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ,… hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Đó có thể UBND cấp tỉnh, thành phố trực Trung ương nơi có vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh xác định và trao quyền quản lý.

Thực trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam có 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Có thể nói, các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý không chỉ đa dạng về loại hình sản phẩm (hoa, quả, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng), mà còn có tính đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước: Từ miền núi phía Bắc (Hà Giang), Đông Bắc Bộ (Quảng Ninh) tới Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa) cho đến cả Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Bạc Liệu).

Trong đó, sản phẩm nước mắm Phú Quốc được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường châu Âu. Điều này mang lại các giá trị kinh tế và cả ý nghĩa chính trị to lớn cho Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng.

Tuy nhiên, trên thực tế các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thường được giao bảo tồn, phát triển và sử dụng cho một tổ chức, cơ quan ở địa phương. Các chỉ dẫn địa lý được khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến cho nạn giả nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi. Cũng đã có những bài học về các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài.

Sự việc “Cà phê Buôn Ma Thuột” bị đăng ký và dùng tại thị trường Trung Quốc vào năm 2011 là một ví dụ. Sau sự việc đó, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk  và Trung ương đã rất vất vả để đưa chỉ dẫn địa lý này về đúng “chỗ” của nó.

Sự việc ‘Cà phê Buôn Ma Thuột’ là bài học về các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài

Sự việc ‘Cà phê Buôn Ma Thuột’ là bài học về các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài

 Thêm vào đó, hiện chưa có cơ quan kiểm soát bên ngoài về chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Cơ quan quản lý Nhà nước vừa là chủ thể quản lý, kiểm soát chất lượng đồng thời thực hiện cả những hoạt động như tổ chức tập thể, dẫn đến tình trạng không phân biệt hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm soát ngoại vi chất lượng sản phẩm.

Một trong những khó khăn trong việc bảo hộ ở Việt Nam hiện nay là tập hợp được những nhà sản xuất lại với nhau. Không ít nhà sản xuất hay nông dân do không hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đăc trưng riêng của một vùng.

Bên cạnh đó, các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng việc đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài lại còn nhiều hạn chế, vướng mắc do thiếu đầu tư kinh phí. Thêm vào đó, chiến lược xây dựng phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài cũng gần như bị bỏ ngỏ.

Bài toán nâng cao hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

Để góp phần nâng cao hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, trong bài viết “Kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thế giới” được đăng trên báo Kinh tế và Dự báo, số 23 tháng 12/2014, tác giả Vũ Tuấn Hưng đã chỉ ra một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường khâu quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ mang chỉ dẫn địa lý. Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thẩm quyền từ quản lý thị trường, quản lý sản xuất, đến phòng chống các loại hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam

Đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho các đơn vị quản lý thuộc Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo thường xuyên cập nhật thông tin về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho mỗi sản phẩm, dịch vụ gắn với chỉ dẫn địa lý.

Hai là, huy động tối đa sức mạnh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Mặc dù chỉ dẫn địa lý thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng việc sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý thuộc về các cá nhân và tổ chức liên quan của khu vực địa lý. Vì vậy, thành phần tham gia tổ chức tập thể cần có đại diện của cả cơ sở sản xuất và các hộ kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các tổ chức và cá nhân trong chuỗi hoạt động liên quan đến quản lý chỉ dẫn địa lý.

Ba là, đẩy mạnh triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các thỏa thuận chương trình, dự án hợp tác song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết, như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),…. Từ đó, tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về chỉ dẫn địa lý nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm phục vụ cho quá trình phát triển của toàn bộ hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang