Chỉ quản lý được 1/3 lượng rượu trên thị trường

author 14:19 11/07/2012

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, lượng rượu tiêu thụ mỗi năm khoảng 450 triệu lít, nhưng cơ quan chức năng chỉ quản lý được khoảng 120- 150 triệu lít, còn lại là rượu nhập lậu và rượu tự chế trôi nổi trên thị trường.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện cả nước đã cấp 126 giấy phép sản xuất rượu, Bộ Công Thương cấp 13 giấy phép. Tổng sản lượng rượu được cấp phép là 124,4 triệu lít, 28 triệu lít cồn rượu, 400 giấy phép sản xuất rượu thủ công. Trong khi đó, giấy phép kinh doanh bán buôn rượu do Bộ Công Thương cấp là 210, Sở Công Thương là 570 và 5.000 giấy phép của các quận, huyện.

Việc cấp phép quá nhiều nhưng quản lý không chặt là điều kiện để rượu lậu, rượu giả len lỏi vào thị trường. Hậu quả là ngộ độc xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng sức khỏe, gây bệnh tật, thậm chí tử vong.

Ông Vũ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường nhận định: Quản lý kém khiến việc nhập khẩu rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan; tạo điều kiện để rượu lậu, giả đi vào Việt Nam khá nhiều. Mặc dù Ban chỉ đạo 127 đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng do đặc tính tiêu dùng cũng như đặc thù của nước ta, việc kiểm tra, kiểm soát vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Cùng với những sản phẩm rượu chính hãng được phép nhập khẩu, phân phối, trên thị trường tồn tại rất nhiều loại rượu nhập khẩu trôi nổi. Lượng hàng này cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ gây thất thu cho nhà nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt vì có nhiều loại rượu được làm giả tinh vi bằng cách dùng chai thật, bao bì nhãn thật mà rượu thì giả. Vì vậy, nếu thấy nghi ngờ thì phải gửi đến Viện Khoa học hình sự để phân tích.

Ông Vũ Văn Quyền khuyến nghị, bằng sự kết nối nhập khẩu, phân phối, tiêu dùng, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam cần tìm ra giải pháp kiểm tra, kiểm soát giúp cho các đơn vị và người tiêu dùng nhận biết về các loại rượu, chất lượng rượu cũng như phương thức, cách sử dụng. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Theo bà Trần Châu Ly - Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế tại Việt Nam (IFSP): Hầu hết các loại rượu nổi tiếng như: Johnnie Walker, Chivas, Siminop, Hennyssy, Remy Martin… đều có nhãn mác, quy cách đóng gói bảo quản đặc thù; Tem nhãn dập nổi sắc nét, có đặc điểm của từng chủng loại riêng; logo đồng đều, gắn kết giữa thân và nút chai, số ở thân chai trùng khớp với nút chai; màu sắc, dung lượng rượu giữa các chai đồng đều; tem chống hàng giả do Bộ Công an sản xuất có độ bám dính cao...

Theo Báo Công thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang