Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm cao nhất trong 3 năm trở lại

author 12:50 30/05/2020

(VietQ.vn) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12/2019. Tuy nhiên, CPI bình quân 5 tháng vẫn ở mức cao nhất (4,39%) trong 3 năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12/2019. Tuy nhiên, CPI bình quân 5 tháng vẫn ở mức cao nhất (4,39%) trong 3 năm gần đây.

Tổng cục Thống kê cho hay, việc Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cũng như sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính; và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động... là những lý do chính khiến CPI tháng này giảm nhẹ so với tháng trước, và giảm 1,24% so với tháng 12/2019.

Tuy vậy, CPI tháng 5/2020 vẫn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nếu tính bình quân thì 5 tháng đầu năm 2020, CPI vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, CPI khu vực thành thị giảm 0,17%, khu vực nông thôn tăng 0,11%. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2020 tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2019.

So với tháng trước, CPI tháng 5 năm 2020 giảm 0,03%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: Giao thông; văn hóa, giải trí và du lịch; bưu chính viễn thông; may mặc, mũ nón và giày dép.

Có 7 nhóm hàng hóa tăng giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Nhóm giáo dục không thay đổi.

 CPI tháng 5 giảm song bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn cao.

Hai năm 2018-2019, CPI bình quân 5 tháng tương ứng chỉ tăng 3,01% và 2,74%. Tuy vẫn thấp hơn mức tăng 4,9% của bình quân 4 tháng đầu năm, song rõ ràng, việc CPI bình quân 5 tháng, chỉ số được lấy để tính lạm phát của nền kinh tế, vẫn tăng 4,9% là điều rất đáng chú ý. Điều này cho thấy, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay vẫn là một thách thức.

Ông Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính cho rằng, mặc dù CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với 5 tháng đầu năm 2019, nhưng vì lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 2,40% nên lạm phát trung bình các tháng sau sẽ giảm dần. Do đó, điều này sẽ góp phần giảm áp lực lên mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay của Việt Nam.

Cũng theo ông Độ, có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng tới CPI những tháng tới. Đó là giá xăng dầu và giá thịt lợn. Về tổng thể, nếu giá xăng dầu không tăng quá mạnh và giá thịt lợn giảm dần trong những tháng tới thì mục tiêu lạm phát dưới 4% vẫn đạt được.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang