‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp chế biến thực phẩm nâng cao năng suất

author 14:31 18/09/2018

(VietQ.vn) - Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện năng suất chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường đầy thách thức với biến động không thuận lợi.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ các nước trên thế giới mà trực diện nhất là hàng hóa từ Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở thế bất lợi cả về chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm. Vì vậy việc triển khai áp dụng các hệ thống, mô hình và công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong các  doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự cần thiết, cấp bách và đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc, rộng rãi hơn bao giờ hết.

Nhận thấy được vấn đề cấp bách đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã giao Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 triển khai nhiệm vụ “Xây dựng mô hình điểm về áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp lớn thuộc ngành Chế biến thực phẩm”. Mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ là: Hướng dẫn 02 doanh nghiệp lớn ngành Chế biến thực phẩm áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí và kiểm soát tốt các hoạt động trong doanh nghiệp và đề xuất phương án nhân rộng cho các doanh nghiệp ngành Chế biến thực phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, các yêu cầu sau đã được thực hiện:

Chọn 02 Doanh nghiệp lớn trong ngành Chế biến thực phẩm để thí điểm áp dụng là Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh Pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên và Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.

Cử chuyên gia có trình độ, kiến thức và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu.

Tiến hành đào tạo xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tích hợp cho các Công ty.

Tiến hành đào tạo xây dựng và áp dụng 3 công cụ cải tiến năng suất bao gồm: COQ (Chi phí chất lượng), Kaizen (Cải tiến), TPM (Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể).

Xây dựng phương án nhân rộng cho các doanh nghiệp ngành Chế biến thực phẩm.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đánh giá áp dụng tại doanh nghiệp  

Việc triển khai nhiệm vụ đã mang nhiều hiệu quả trong đó có thể nêu những điểm chính sau:

Về nhận thức: các cán bộ công nhân viên đã nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng các hệ thống quản lý tích hợp và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Họ bắt đầu chủ động áp dụng đúng các quy trình quản lý, nhận thức được yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, nhận dạng được các rủi ro và kiểm soát các rủi ro. Ngoài ra họ còn tham gia vào chương trình đào tạo, cách triển khai và áp dụng một số công cụ cải tiến như 5S, Kaizen, giảm lãng phí, TPM…

Về hiệu quả của hệ thống quản lý tích hợp: giảm được số người tham gia vào hệ thống, giảm được số lần đánh giá riêng lẽ các hệ thống. Việc đạt được chứng nhận hệ thống quản lý tích hợp giúp công ty nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, tin cậy của khách hàng, đáp ứng yêu cầu khách hàng, yêu cầu luật định, kiểm soát khiếu nại khách hàng, hàng hỏng, trả về… Tỷ lệ hài lòng của khách hàng sử dụng sản phẩm tăng theo từng năm.

Hiệu quả của việc áp dụng Công cụ chi phí chất lượng: giúp các công ty giảm được chi phí trong thực hiện sản xuất. Cụ thể, Công ty Tân Huê Viên đã giảm được hao hụt nguyên vật liệu khoảng 1%, trong đó nguyên liệu có chi phí lớn là hỗn hợp bí, mỡ sầu riêng tiết kiệm trung bình khoảng 21.118,14 kg/tháng. Công ty CP Acecook Việt Nam tiết kiệm việc lãng phí trong quá trình thay film tại khu vực 3 in 1 khoảng 38,2 triệu/năm.

Đào tạo tại doanh nghiệp

Công cụ Kaizen: Giúp các Công ty cải tiến được trong các quá trình hoạt động hàng ngày, từ đó giảm chi phí cho việc sản xuất. Cụ thể: Công ty Tân Huê Viên đã giảm tỷ lệ sản phẩm không phù hợp ở mức ổn định khoảng 0,33% (từ 0,88% xuống còn 0,55%), tiết kiệm khoảng 1.884 bánh/tháng. Công ty CP Acecook sau khi được đào tạo và thực hành công cụ Kaizen đã giúp các bộ phận, đơn vị của Công ty hiểu và áp dụng được các bước thực hiện cải tiến bài bản hơn. Các bước cải tiến này được chuẩn hóa và áp dụng cho tất cả các vấn đề được xác định trong toàn bộ hoạt động của Công ty.

Công cụ Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM): đã giúp các máy móc thiết bị hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể Công ty Tân Huê Viên: Hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (OEE) của chuyền sản xuất bánh Pía tăng từ 70,6% lên 77,66%; Công ty CP AcecookViệt Nam: Hiệu suất của máy đóng gói tăng từ 91,9% lên 96,4%.

Từ những thành công bước đầu của việc áp dụng thí điểm trên 2 Doanh nghiệp lớn ngành Chế biến thực phẩm trên, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 đã xây dựng được phương án nhân rộng nhằm mục đích lan tỏa chương trình này cho các Doanh nghiệp khác trong ngành chế biến thực phẩm, giúp nâng cao Năng suất chất lượng trong các Doanh nghiệp nói riêng và cho Việt Nam nói chung.

Lê Hòa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang