Chiếc vé xe bệnh viện và lời thề Hypocrates

author 09:56 14/08/2012

(VietQ.vn) – Từng học lời thề Hypocrates mà sao các bác sĩ nỡ để người nhà bệnh nhân bị “chặt chém” tiền trông xe?

Siêu lợi nhuận

“Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công” – đây là một trong những nội dung của lời thề Hypocrates mà các sinh viên học y, dược đều biết đến.

Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề.
Ở nhiều nước, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề.

Học là vậy nhưng thực hành lại khác. Vì cuộc sống luôn phức tạp, bác sĩ cũng phải nặng ghánh tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt…nên có khi phải “chạy sô” phòng mạch tư hoặc làm nhiều việc khác.

Tuy nhiên, sẽ khó có thể thông cảm được nếu thầy thuốc làm nhẹ đôi vai của mình bằng cách đặt nặng ghánh đó lên vai những người bệnh.

“Bây giờ quy định là mấy nghìn? Tưởng tăng rồi cơ mà?” – câu nói ngạc nhiên của vị lãnh đạo viện Nhi Trung ương khiến nhiều người cũng… ngạc nhiên không kém.

Nếu thực sự quan tâm đến người nhà bệnh nhân (cũng chính là quan tâm đến bệnh nhân) thì vị thầy thuốc này sẽ biết, HĐND TP Hà Nội đã bác bỏ đề nghị tăng phí trông giữ với xe đạp và xe máy. Theo đó, mức phí cao nhất chỉ là 2 nghìn đồng/lượt.

Bệnh viện tư nhân miễn phí trông xe

Trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội, có một bệnh viện tư nhân khá lớn, miễn phí trông xe cho người bệnh và gia đình. Tại đây có một biển báo rất lớn "Gửi xe miễn phí". Người nhà bệnh nhân chỉ việc mang xe vào khu trông xe, nhận vé và không mất một đồng nào.

“Thành phố đừng nói việc người trông giữ xe trên hè đường không đủ bù đắp chi phí. Tôi thấy đây là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Chính vì thế mà các bãi trông giữ xe mọc lên tràn lan” – đại biểu Nguyễn Hoài Nam từng nhận xét như vậy khi UBND TP Hà Nội định “đẩy” giá trông giữ xe đạp, xe máy lên cao.

Thực tế, mỗi năm, những người trông xe phải nộp cho các bệnh viện từ vài chục đến vài trăm triệu tiền “trúng thầu” (số tiền đó dùng để làm gì, có lẽ các bệnh viện cần công khai). Nên để “gỡ lại”, những người đó đã chọn hình thức “chặt chém” những người nhà bệnh nhân đến gửi xe.

Bệnh viện Việt Đức, viện K, phụ sản Trung ương, viện E…cũng không ngoại lệ.

Bãi giữ xe trước cửa bệnh viện Việt Đức của Cty cổ phần 91 cũng thu sai quy định. Ảnh: HT
Bãi giữ xe trước cửa bệnh viện Việt Đức của Cty cổ phần 91 cũng thu sai quy định. Ảnh: HT

Năm 2010, sau loạt bài của người viết bài này trên báo Tiền Phong về việc nhiều nơi thu phí trông xe cao hơn quy định, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài chính phải lập đoàn kiểm tra, xử lý kịp thời những sai phạm.

Một loạt bãi xe của các bệnh viện đã có tên trong “danh sách đen”, được đưa lên công luận, trong sự bức xúc của người dân. Nhưng sau khi đợt kiểm tra “lắng xuống”, đâu lại vào đấy.

Nếu Hà Nội có những đội như “141” của công an, chuyên đi kiểm tra các bãi trông xe, thì chắc chắn những việc làm sai trái trên sẽ bớt đi.

“Bổ sung” lời thề Hypocrates?

Sở Tài chính Hà Nội là nơi rất mong muốn giá trông xe đạp, xe máy được tăng lên. Nếu như vậy, họ sẽ ít phải đi kiểm tra như đợt  năm 2010.

Nhưng những người làm chính sách của Hà Nội đã rất nhân văn khi “nói không" với tăng giá trông  xe máy, xe đạp.

Đặc biệt, ở nơi giàu có nhất nước là TP. Hồ Chí Minh, người ta vẫn hiểu, những người bệnh đã phải chịu bao nhiêu chi phí khi lâm bệnh, nên nếu tăng giá trông xe, sẽ tăng thêm những lo toan, vất vả cho người nhà bệnh nhân. Vì thế, phí trông xe máy cao nhất ở các bệnh viện trong TP Hồ Chí Minh chỉ là 3 nghìn đồng vào ban ngày và 4 nghìn đồng vào ban đêm. Còn Đà Nẵng đã miễn phí trông xe vào bệnh viện từ 2011.

Bảng phí trông giữ xe ở TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ
Bảng phí trông giữ xe ở TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ

Có lẽ, trong mắt nhiều bệnh nhân Việt Nam, thầy thuốc Hypocrates xưa chưa thực sự vĩ đại như người ta hay ngợi ca. Bởi đáng lẽ, ông phải dự tính trước tương lai, bổ sung một lời thề cho các lãnh đạo bệnh viện ở Việt Nam, rằng: “sẽ không thu phí trông xe cao hơn quy định, sẽ không hưởng lợi từ những bãi gửi xe”.

Không quản lý tốt chiếc vé xe mỏng manh, liệu người ta có hy vọng các bệnh viện ngăn chặn triệt để được những “hoa hồng” ngọt ngào của các công ty dược cho bác sĩ, ngăn chặn việc tăng giá vô lý của các dịch vụ trong bệnh viện?

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang