Chiêu ‘ăn tiền’ tiết kiệm của ‘bộ sậu’ Ngân hàng ACB

author 10:21 25/12/2013

(VietQ.vn) - Từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011 Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện ủy thác 718.908.000.000 đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB để gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, Ngân hàng ACB được thành lập và hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, người đại diện theo pháp luật là ông Lý Xuân Hải – Tổng giám đốc. 

Ngày 25/7/2008 Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuẩn y bầu các chức danh trong HDQT Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2008-1012 gồm: Chủ tịch HDQT Trần Xuân Giá; Các phó Chủ tịch là Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, các thành viên Hội đồng quản trị là Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Lương Văn Tự, Julian Loong Choon, Alain Cany, Dominic Scriven, Trần Hùng Huy. Hội đồng quản trị ngân hàng ACB quyết định bổ nhiệm thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2008-2012 gồm: Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải. 
Ông Lý Xuân Hải, nguyên TGĐ Ngân hàng ACB
Ngày 22/3/2010 Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB triệu tập cuộc họp của thường trực HĐQT có sự tham gia của trưởng ban kiểm soát, hội đồng tín dụng, hội đồng đầu tư, hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB là Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch) để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư để tránh thiệt hại cho Ngân hàng ACB. Tại cuộc họp , ông Trần Mộng Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được. Nguyễn Đức Kiên có ý kiến chỉ đạo: Không được làm giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB, theo đó không chấp nhận giảm lãi suất huy động. Lý Xuân Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi vừa được hưởng thêm ‘hoa hồng’, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng nhận tiền gửi.  Đề xuất này được Nguyễn Đức Kiên đồng tình. Sau đó, các thành viên thường trực hội đồng quản trị đã thống nhất và cùng ký vào biên bản cuộc họp thường trực HĐQT với nội dung: “Đồng ý việc ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao tổng giám đốc kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng… ủy quyền cho kế toán trưởng tổ chức thực hiện ký hợp đồng ủy thác. 
Thực hiện nghị quyết trên, Ngân hàng ACB đã tổ chức triển khai việc ủy thác cho các nhân gửi tiền vào các Ngân hàng khác. Trong đó,  từ ngày 27/6/2011 đến 5/9/2011 Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện ủy thác 718.908.000.000 đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB để gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TPHCM, thời hạn gửi tiền 3 -6 tháng với lãi suất ghi trong hợp đồng là 14% năm; lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Sau khi nhận được tiền ủy thác, 17 nhân viên ngân hàng ACB ký hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TPHCM số tiền 668.908.000.000, 2 nhân viên ký hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè số tiền 50 tỷ đồng nhưng toàn bộ số tiền gửi đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhanh TPHCM sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt gây thiệt hại cho ngân hàng ACB.
Như vậy, nghị quyết của thường trực HĐQT ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm được ban hành từ ngày 22/3/2010 và được thực hiện đến ngày 5/9/2011 mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn vụ ủy thác nên nghị quyết và việc thực hiện Nghị quyết của thường trực hội đồng quản trị Ngân hàng ACB trên đây đã vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. 
Ngoài số tiền 718,908 tỷ đồng gửi vào Vietinbank nêu trên, từ ngày 26/1/2011 đến 22/9/2011 Ngân hàng ACB còn ủy thác nhân viên gửi tiền vào 22 Ngân hàng với tổng số tiền hơn 28 nghìn tỷ đồng, lãi suất từ 7,5%/năm đến 22%/năm và 71.258329 USD với lãi suất 2%/năm đến 6%/năm. Số tiền gửi VND đã thu được lãi hơn 1,1 nghìn tỷ đồng trong đó số lãi vượt trần là khoảng 243 tỷ đổng; số tiền gửi USD thu được lãi 1.271498 USD.
Cũng theo cáo trạng của VKSNDTC, việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 Ngân hàng là làm trái quy định tại điều 106 luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Hành vi làm trái này đã thu lợi cho Ngân hàng ACB số tiền lãi vượt trần là khoảng 243 tỷ đồng. Số tiền lãi thu được từ hoạt động này đã được Ngân hàng ACB hạch toán trích nộp thuế theo quy định và không gây thiệt hại về tài sản cho Ngân hàng ACB nên chưa đủ yếu tố xác định là hành vi phạm tội. Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Đức Kiên còn “ôm” đống tiền đầu tư cổ phiếu gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho ngân hàng ACB (Còn nữa).
Mạnh Phan
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang