Chính thức khởi động chương trình thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính


author 06:30 15/08/2019

(VietQ.vn) - Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Chương trình FCV) lần thứ hai vừa chính thức được khởi động (thời gian dự kiến kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11/2019).

Cuộc thi FCV 2019 được thiết kế với chủ đề “Hỗ trợ chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng – tài chính tại Việt Nam”.

Các đối tác thương mại của Chương trình không chỉ gồm các ngân hàng (TP Bank, Vietcombank, Vietinbank, UOB) mà còn có doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ViettelPay), những tổ chức đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả mô hình kinh doanh đồng thời thúc đẩy phổ cập tài chính. Chương trình sẽ giúp các tổ chức này tìm kiếm các giải pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. FCV2019 cũng có sự đồng hành của các đối tác kỹ thuật (E&Y, Padang&Co), các nhà tài trợ (MasterCard, VISA), các đối tác đầu tư (Vinacapital Ventures) và các đối tác khác (như Vietfintech, VNBA).

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo về Fintech nhấn mạnh: thông qua cuộc thi lần này, các công ty Fintech trong và ngoài nước tiếp tục có cơ hội được ươm mầm, phát triển các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá và khác biệt; đồng thời thúc đẩy đổi mới, tăng cường cạnh tranh và hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam, qua đó thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh doanh. Trong khuôn khổ cuộc thi FCV 2019 sẽ diễn ra Hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực Fintech, với chủ đề dự kiến về Hệ sinh thái Fintech trong tháng 9/2019.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo về Fintech. Ảnh: VGP 

Đại diện phía đối tác quốc tế, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) nhận định: FCV là chương trình sáng tạo có sự tham gia của cơ quan quản lý, các ngân hàng và công ty fintech nhằm tìm ra những điểm giao thoa giữa khu vực công và tư.

Đây là cơ chế độc đáo nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ bền vững để tiếp cận các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại Việt Nam. Ban tổ chức cho biết, các fintech có thể nộp hồ sơ tham gia FCV2019 đến ngày 25/9/2019.

Các Fintech ở giai đoạn đầu cũng như các công ty ở giai đoạn sau - đã có sản phẩm sẵn sàng - tại Việt Nam và các nước khác đều có thể tham gia ứng tuyển. Những công ty fintech được lựa chọn sẽ có cơ hội trình bày giải pháp của mình tại Demo Day tổ chức vào ngày 7/11/2019. Một hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia độc lập sẽ tiến hành đánh giá và trao giải thưởng bằng tiền mặt cho 3 công ty ở giai đoạn đầu và 3 công ty ở giai đoạn sau. Bên cạnh đó, hai ứng viên chung cuộc sẽ được Mastercard hỗ trợ tham gia trình diễn tại Sự kiện khách hàng của Mastercard trong khuôn khổ Ngày hội Công nghệ tài chính Singapore (Singapore Fintech Festival) vào tuần tiếp theo.

Đại diện Quỹ đầu tư VinaCapital và ADB Ventures cho biết sẽ đầu tư thí điểm lên đến 500.000 USD cho các giải pháp xuất sắc có tiềm năng nhân rộng và ảnh hưởng tích cực tới phổ cập tài chính tại Việt Nam.

Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn cho rằng, đối với Việt Namchúng ta có tiềm năng phát triển Fintech rất lớn. Số lượng các công ty Fintech tăng gấp đôi lên gần 100 công ty (năm 2016 có 40 công ty), trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Dự báo giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

“Dù tiềm năng lớn nhưng đối với Fintech, chúng ta mới chỉ khai phá ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý cho Fintech tại Việt Nam còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…

Chúng ta hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân”, ông Hà Huy Tuấn nói về khó khăn mà mô hình như Fintech đang đối mặt.

Bảo Lâm

Công nghệ tài chính (Fintech): Cần khung tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ(VietQ.vn) - Dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý còn sơ khai… Thực tế, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang