Chợ Việt vắng... hàng Việt

author 09:01 16/11/2013

Con đường vào chợ của hàng Việt còn lắm gian nan

Mặc dù được coi là kênh phân phối truyền thống có nhiều lợi thế nhưng sức tiêu thụ cũng như sự có mặt của hàng Việt Nam tại các chợ lại quá ít ỏi. Con đường vào chợ của hàng Việt còn lắm gian nan nếu DN, nhà phân phối không có chiến lược cụ thể và thay đổi cách nhìn đối với mô hình bản lẻ rất giàu tiềm năng này.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, "trong ngành bán lẻ, tỷ trọng của thị trường bán lẻ hiện đại so với bán lẻ truyền thống thống mới chỉ chiếm 20%". Điều này cho thấy, không thể phủ nhận vai trò của chợ truyền thống đối với hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra ở tất cả các chợ, sự có mặt của hàng Việt không nhiều. Tính riêng tại chợ đầu mối Đồng Xuân- nơi phân phối hàng hóa đi hầu hết các tỉnh phía Bắc, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh từ 70- 90% ở đối với các mặt hàng như quần áo, vải, túi xách, giày dép, hàng gia dụng, tiêu dùng.

Trong chợ Việt có rất nhiều hàng Tầu

Trong chợ Việt có rất nhiều hàng Tầu. Ảnh minh họa

Việc đưa hàng Việt vào chợ truyền thống còn vướng bởi DN không xác định được phân khúc thị trường của mình, hàng giá cao sẽ khó bán tại các chợ. Một điểm yếu nữa của hàng Việt là giá cả không ổn định, do phụ thuộc các chi phí đầu vào nên tiểu thương cũng không mặn mà.

Bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp - (BSA) - cho biết, hàng Việt vào chợ rất khó khi phân khúc hàng giá rẻ và hàng trung bình đã bị hàng của Trung Quốc và hàng không xuất xứ, hàng lậu, hàng giả chiếm lĩnh. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn của việc tiểu thương các chợ không mặn mà khi kinh doanh hàng Việt còn phải kể đến sự "chưa hiểu nhau" giữa nhà sản xuất và người bán hàng.

Theo ông Đỗ Xuân Thủy- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân, chợ Đồng Xuân đã tổ chức hai hội thảo với Hiệp hội bán lẻ và Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, gặp gỡ trực tiếp tiểu thương kinh doanh và đã nhận được những phản hồi đáng chú ý. Các tiểu thưởng cho rằng, rất muốn bán hàng trong nước vì hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nhưng DN không mặn mà với các chợ truyền thống, không có niềm tin với tiểu thương, thiếu cơ chế, chính sách để gắn kết người bán với DN.

"Khi bán hàng thì việc đổi hàng bị lỗi, hỏng, cung cấp nguồn hàng còn chậm; lấy hàng phải trả tiền ngay không được gối đầu. Trong khi đó những người buôn hàng Trung Quốc lại rất năng động, thỏa mãn nhu cầu của người bán, cấp hàng tại chỗ, cho gối đầu, đổi hàng thoải mái"- ông Thủy nói

Nếu chỉ tham gia một vài phiên bán hàng "Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống" thì sẽ không đủ để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam tại kênh phân phối truyền thống này. DN Việt nên có những nghiên cứu cụ thể hơn về phân khúc thị trường, tập quán kinh doanh tại các chợ để có chiến lược phù hợp, sản phẩm có thể xuất hiện nhiều hơn ở kênh bán lẻ giàu tiềm năng này.

Theo Cong Thuong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang