Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm
BSR đứng thứ 9 Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024
Thực hiện chuyển đổi số: Câu chuyện tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình
Thực hư ứng dụng công nghệ AI để dự đoán ngày qua đời
Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh đang tập trung triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cùng với tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, Cục QLTT các tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là với các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu cao vào dịp tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025 sẽ bị xử lý nghiêm.
Hiện nay, các Đội QLTT trực thuộc đã và đang chủ động biện pháp nghiệp vụ và phối hợp các ngành, các cấp, lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, địa bàn, tuyến trọng điểm, nhất là những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), cùng với triển khai công tác kiểm soát hàng hóa theo kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 15/11, lực lượng QLTT đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức triển khai đồng loạt các hình thức tuyên truyền tuyến phố nói không với hàng giả trên các tuyến: Vinh Sơn, Trung Sơn, Đạo Sơn, Trung Hy tại thị trấn Bút Sơn.
Đội QLTT số 8 hướng dẫn người dân ký cam kết về việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Ông Lê Văn Nghị, Phó đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết: "Chúng tôi kết hợp tổ chức tuyên truyền đồng bộ trên hệ thống loa phát thanh; tuyên truyền lưu động bằng xe ôtô; tuyên truyền trực quan bằng treo băng zôn, khẩu hiệu. Đơn vị cũng tổ chức phát tài liệu gồm: văn bản pháp luật quy định về sở hữu trí tuệ, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội cũng thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng và triển khai ký cam kết đồng loạt với cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các tuyến phố về không sản xuất, buôn bán hàng giả".
Tại tỉnh Thái Nguyên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong tháng 11/2024, các lực lượng đã phát hiện và xử lý 148 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm; vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không niêm yết giá bán hàng hóa; vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, khai sai tên hàng, chủng loại hàng hóa; kê khai sai, thiếu tiền thuế hoặc vận chuyển lâm sản trái phép…
Tang vật vi phạm chủ yếu là pháo nổ, gỗ thông thường, quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ dùng gia dụng. Theo đánh giá, giá trị tang vật xử lý trong tháng 11 tuy không lớn (trên 124 triệu đồng) nhưng nguy cơ gia tăng số vụ vi phạm là không nhỏ. Mặt khác, các đối tượng ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi để gian lận và buôn lậu, nhất là trên không gian mạng, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, mục tiêu chung của các hoạt động này là đảm bảo thị trường hàng hóa trong nước ổn định, an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, các hoạt động này cũng góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia.
Để đạt mục tiêu trên, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Doanh nghiệp cần kinh doanh đúng pháp luật, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thanh Hiền (t/h)