Chống hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử - cuộc chiến không dễ dàng

author 07:37 28/01/2023

(VietQ.vn) - “Chống hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến không dễ dàng, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, đó là khẳng định của bà Cao Thị Bích Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa - Tổng cục TCĐLCL (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Theo thống kê của Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2022 vừa qua, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử tại Việt Nam thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là những tiêu cực của thị trường.

 Lực lượng Quản lý Thị trường xử phạt đơn vị vi phạm kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: "Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát".

Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm.

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Bích Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: “Chống hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến không dễ dàng, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Bà Hà chia sẻ, thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn phổ biến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, nền tảng video trực tuyến... đặt ra những khó khăn thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái.

Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ việc nhưng các đối tượng vẫn tuồn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái... ra thị trường, lên mạng xã hội để tiêu thụ. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi.

Tổng cục Quản lý thị trường dự báo, trong 2 - 3 năm tới, tỉ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Vì vậy, để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; hàng hóa được làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu... Bà Huyền cũng cho rằng, đây không phải công việc riêng Bộ Công Thương, mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang