Xử nghiêm vi phạm hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử trong năm 2023

author 06:20 18/01/2023

(VietQ.vn) - Việc tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại và chống thất thu thuế trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Năm 2022 vừa qua, quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước. Với mức tăng trưởng 20%, có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%.

Thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển nhanh và ổn định. Ảnh minh họa.

Cụ thể, nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Sang năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.

Với 75% người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% người người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại và chống thất thu thuế trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Cục đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Được biết, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử cũng đã bổ sung những điều khoản quy định ràng buộc chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp đang kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử. Trong đó, Nghị định đã bổ sung một số quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam...

Những quy định mới tại Nghị định này kỳ vọng giúp cho công tác chống hàng giả có căn cứ và hiệu quả minh bạch. Hoặc Nghị định số 17/2022/ NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử quy định trong Nghị định 98/2020-NĐ-CP.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang