Chủ động nguồn thức ăn trong nước - Giải pháp căn cơ để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

author 07:00 19/03/2022

(VietQ.vn) - Chi phí thức ăn chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80-85% giá thành thức ăn chăn nuôi. Hiện giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước chính là giải pháp căn cơ để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, ngày 18/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến "Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi”.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tại nước ta đã tăng 18-22%. Mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý (từ 2,6 triệu đồng giảm xuống 1,2 triệu đồng/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, khiến nhiều hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột giữa Nga – Ucraina, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường quốc tế tăng kỷ lục, gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, bởi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Hội nghị trực tuyến do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và địa phương.

Tại Việt Nam, hiện tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Năm 2021 cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở). Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng. Thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 55,8%; cho gia cầm chiếm 40,4%; cho vật nuôi khác 3,8%...

Để sản xuất lượng thức ăn trên, mỗi năm cả nước cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu, nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu 22,3 triệu tấn.

Trong tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn tinh, nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng (các loại hạt cốc: ngô, lúa mì, cám, tấm, sắn…) chiếm tỷ trọng trên 65% (tương đương 21 triệu tấn); nhóm nguyên liệu cung cấp đạm gồm đạm thực vật (khô dầu các loại, bã ngô) và đạm động vật (bột thịt xương, bột gia cầm, bột huyết, bột cá…) chiếm trên 27% tương đương 8,5 triệu tấn.

Giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: ngô hạt 10.200 đ/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đ/kg (tăng 33,4%), lúa mì 9.850 đ/kg (tăng 49,5%).

Cục Chăn nuôi dự kiến, giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8/2022 vẫn ở mức tăng: ngô khoảng 11.000 đ/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đ/kg. Trong khi đó năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước

Theo các đại biểu, chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước là giải pháp căn cơ nhất để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các tỉnh Long An, An Giang, Tiền Giang… kiến nghị tuyên truyền cho nông dân chăn nuôi giảm sử dụng thức ăn công nghiệp, thay thế một phần bằng những phụ phẩm sẵn có ở địa phương, như bã bia, bã bột dừa, bèo rau, cám gạo…

Đặc biệt, nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho vật nuôi, bổ sung nguồn đạm thay thế cám nuôi, giúp vật nuôi mau lớn, qua đó giảm nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi. Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha. Trong khi điều kiện của Việt Nam rất phù hợp để nuôi loại ruồi này. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cho nuôi loại ruồi này.

Để nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước, Cục Chăn nuôi đề nghị 3 nhóm giải pháp về nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước, giảm thiểu chi phí trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các giải pháp về tổ chức sản xuất.

Trong đó, nên chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn…). Phát triển sản xuất protein từ côn trùng (ruồi lính đen) để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược.

Ứng dụng công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần thức ăn chăn nuôi có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Các đại biểu tiếp tục nêu kiến nghị chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã. Cần tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo để chế biến thức ăn chăn nuôi.

Về mặt chính sách, đề nghị Nhà nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đối với các giải pháp về tổ chức sản xuất chăn nuôi, các đại biểu cho rằng, cần từng bước điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm.

Trước thực tế phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với cơ sở chăn nuôi.

Chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại. Các địa phương khi cho phép xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cần tính đến việc phù hợp với vùng chăn nuôi, chế biến thực phẩm… để giảm áp lực về logistics. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi bằng những công nghệ sinh học- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị, các ngân hàng cần tăng dư nợ cho vay với sản xuất chăn nuôi để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bởi chu kỳ chăn nuôi khá dài.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang