Hàng nghìn tên miền bị giả mạo, người dùng không nên chủ quan trước những chiêu trò lừa đảo

author 19:13 21/11/2023

(VietQ.vn) - Theo số liệu của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cho thấy Việt Nam với khoảng hơn 10% người được khảo sát gặp phải lừa đảo hằng ngày, 20% nói rằng gặp lừa đảo mỗi tuần và khoảng 25% cho biết gặp lừa đảo vài tháng 1 lần.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Công ty An ninh mạng Viettel – Viettel Cyber Security vừa chia sẻ thông tin và nhận định về tình hình an toàn thông tin mạng tại Việt Nam trong quý III năm nay, dựa trên dữ liệu từ dịch vụ Viettel Threat Intelligence.

Quý III thường là thời gian hoạt động mạnh mẽ của các nhóm tấn công lừa đảo, và số lượng tên miền giả mạo, lừa đảo đã tăng mạnh. Theo báo cáo, từ 942 tên miền trong quý I năm nay, con số đã lên đến 1.134 trong quý II và đến 1.462 trong quý III.

 Trang web giả mạo cơ quan chức năng. Ảnh EVN

Như vậy trong 3 quý đầu năm nay, hệ thống kỹ thuật của Viettel Cyber Security đã ghi nhận hơn 3.500 tên miền giả mạo, lừa đảo được sử dụng trong các chiến dịch lừa đảo người dùng Việt Nam.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn là mục tiêu chính của các nhóm tội phạm mạng, chiếm 62% tổng số cuộc tấn công. Các hình thức lừa đảo liên quan đến thẻ tín dụng, vay tiền trực tuyến, và lừa đảo tài khoản ngân hàng đang ngày càng trở nên phổ biến.

Thực tế, số liệu của GASA cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro khi sử dụng các phương tiện truyền thông số. 80,2% người được hỏi bị kẻ lừa đảo tiếp cận qua cuộc gọi điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS, và 49,9% qua ứng dụng nhắn tin OTT.

 Kênh lừa đảo phổ biến tại Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia. Ảnh số liệu GASA

Ngoài các hình thức tấn công truyền thống, quý III chứng kiến sự xuất hiện của các phương thức tấn công mới. Lừa đảo chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng và sử dụng ứng dụng giả mạo của cơ quan tổ chức tại Việt Nam đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn.

Tuy nhiện, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chống lừa đảo cho hay, thông qua khảo sát, có một con số tích cực là tới 63,9% người Việt Nam được hỏi cảm thấy tự tin trước những chiêu trò của kẻ lừa đảo.

“Sự tự tin của người dùng là minh chứng cho hiệu quả của việc giáo dục nhận thức cộng đồng về các trò lừa đảo và cũng thể hiện mức độ phổ biến của các chiêu trò này. Nhưng ở một góc nhìn khác, việc quá tự tin có thể dẫn đến tâm lý chủ quan, khiến người dùng dễ rơi vào bẫy. Duy trì thói quen hoài nghi và xác minh mọi thông tin chính là chìa khóa để tránh khỏi lừa đảo”, ông Hiếu nói.

Ông Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng của Viettel Cyber Security nhấn mạnh, các nhóm tấn công ngày càng sử dụng các kỹ thuật tiên tiến và kịch bản lừa đảo tinh vi. Lựa chọn cá nhân và sự hiểu biết vững về an ninh mạng là chìa khóa để ngăn chặn lừa đảo. Để phòng chống hiệu quả, người dùng cần nâng cao nhận thức và kiến thức về an ninh mạng. Việc tự cập nhật và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo, phân biệt thông tin thật và giả mạo sẽ giúp người dùng tránh được những chiêu trò của kẻ lừa đảo.

Cuộc sống trực tuyến ngày càng phức tạp, và việc duy trì sự cảnh báo và hiểu biết về an ninh mạng là quan trọng để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước những mối đe dọa ngày càng tinh vi của thế giới kỹ thuật số.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang