Chủ tịch hiệp hội xăng dầu Việt Nam: Xăng dầu sẽ có nhiều giá!

author 09:40 21/09/2014

Tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu sáng 19-9, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng giá xăng dầu được điều hành theo Nghị định 83 sẽ tạo nên thị trường cạnh tranh với nhiều giá

Phóng viên: Điểm mới cơ bản của Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu so với Nghị định 84 là gì, thưa ông?

-  Ông Phan Thế Ruệ:

Tiến bộ cơ bản của nghị định mới về kinh doanh xăng dầu là trên thị trường sẽ có thêm nhà phân phối và thương nhân nhượng quyền xăng dầu. Theo đó, thương nhân phân phối xăng dầu có quyền mua xăng dầu của nhiều đầu mối, sau đó được quyết định giá bằng cách tính trung bình giá mua của các đầu mối đó. So với các tổng đại lý chỉ được mua hàng từ 1 đầu mối, giá do đầu mối quyết định thì thương nhân phân phối được hoạt động linh hoạt hơn. Hình thức này mở ra cơ chế thị trường trong mặt hàng xăng dầu, cạnh tranh chủ yếu về giá, hoàn toàn phù hợp với chủ trương thị trường hóa xăng dầu.

Nếu thực hiện nghiêm túc Nghị định 83 thì trong tương lai thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ có cạnh tranh Ảnh: TẤN THẠNH
Nếu thực hiện nghiêm túc Nghị định 83 thì trong tương lai thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ có cạnh tranh Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cả thương nhân phân phối, tổng đại lý và thương nhân nhượng quyền đều giao hàng theo hình thức đại lý và ăn hoa hồng nên rất khó quản lý khi có sự phân biệt giữa cửa hàng là “con ruột” với các cửa hàng ngoài hệ thống.

Biên độ cho phép điều chỉnh giá xăng được giảm từ 7% xuống 3% liệu có giúp giá xăng trong nước tiến gần hơn với thị trường?

- Đối với biên độ cho phép doanh nghiệp (DN) tự định giá xăng dầu là 3%, nếu thực hiện được thì có thể tạo ra nhiều mức giá khác nhau giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Trong giới hạn 3%, các DN được tự do điều chỉnh, có thể DN này biến động 1% là điều chỉnh giá nhưng DN khác lên đến 2% mới điều chỉnh. Như vậy, nếu thực hiện nghiêm túc Nghị định 83 thì trong tương lai, thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ có nhiều giá. Ngay bản thân 1 tổng công ty cũng có nhiều giá chứ không chỉ các đầu mối khác nhau. Điều này tạo ra sự cạnh tranh về giá, người tiêu dùng sẽ được lợi. Một số ý kiến hiểu về cạnh tranh không đầy đủ, cho là cạnh tranh chủ yếu bằng thị phần là không chính xác mà phải cạnh tranh về giá bán.

Tuy nhiên, tại Nghị định 84, nhà nước cũng cho phép DN được tự điều chỉnh giá trong biên độ 7% nhưng điều hành giá thực tế lại không như vậy. Liệu Nghị định 83 có đi lại con đường cũ?

- Để thực hiện điều này, nhà nước không được can thiệp vào những điều đã quy định trong nghị định mà chỉ có trách nhiệm hướng dẫn minh bạch hơn cho các DN thực hiện, nếu không sẽ đi lại con đường của Nghị định 84.

Điều băn khoăn là nghị định đề ra biên độ 3% DN được tự quyết giá xăng theo tín hiệu thị trường nhưng lại cố định khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá là 15 ngày thì có thể khiến giá xăng rơi vào tình trạng bị dồn nén, điều hành giật cục. Khống chế 15 ngày thì có phù hợp không, có dễ làm thông tư hướng dẫn không? Do đó, cần phải có hướng dẫn cụ thể và hợp lý về điều này.

Trước áp lực mở cửa thị trường xăng dầu với thế giới, theo ông liệu DN Việt Nam có đánh mất hệ thống bán lẻ?

- Chắc chắn đến năm 2018, chậm nhất là 2019, thị trường xăng dầu phải mở cửa. Thông tin mới tôi nắm được là nước ngoài đã bắt đầu vào Việt Nam để điều tra thị trường bán lẻ xăng dầu nhằm dọn đường cho thương nhân của họ vào Việt Nam. Họ sẵn sàng mua lại cửa hàng với giá cao hơn. Khi hệ thống bán lẻ bị DN nước ngoài thâu tóm, an ninh năng lượng có thể bị đe dọa. DN Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh với nước ngoài nhưng vấn đề là cơ chế chính sách như thế nào để tạo điều kiện cho họ. 

Vẫn cần quỹ bình ổn xăng dầu

Đối với quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết ngay từ đầu không tán thành duy trì quỹ này nhưng sau đó xem xét và tìm hiểu một số nước thì thấy có nước áp dụng để giữ ổn định năng lượng. “Tuy nhiên cần làm rõ nguyên tắc trích lập, quản lý sử dụng như thế nào. Nếu trích thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, xả liên tục cũng không doanh nghiệp nào chịu nổi như từng xảy ra hồi năm 2010” - ông Ruệ đặt vấn đề.

Về thuế, theo VINPA, cần giữ ổn định thuế nhập khẩu theo 2 phương án: cố định mức thuế cụ thể trong 6 tháng hay 1 năm hoặc cố định thuế suất căn cứ theo thị trường xăng dầu thế giới, nhu cầu trong nước và phải được Quốc hội quyết định.

Theo Nguoilaodong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang