Chủ tịch VinaLAB: Đẩy mạnh việc kết nối, chuyển giao thiết bị, phương pháp thử

author 16:05 21/07/2021

(VietQ.vn) - Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam VinaLAB vừa tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) điều hành cuộc họp. 

Dưới sự điều hành của TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB), cuộc họp Ban Thường vụ Hội VinaLAB đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp (tại Văn phòng Hội) và trực tuyến đến các đồng chí ủy viên tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đánh giá kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, PGS. TS. Đỗ Quang Huy, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VinaLAB cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nhưng hoạt động của VinaLAB vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác: Tập hợp trí thức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Xây dựng và phát triển Hội; Đào tạo, phổ biến kiến thức;…

Cụ thể, Hội viên VinaLAB đã tích cực tham gia Đại hội các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, qua đó, xây dựng chương trình hành động của các đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo PGS. TS. Đỗ Quang Huy, để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, hỗ trợ Hội viên và tạo tiền đề cho sự phát triển của Hội, đầu năm 2021, Hội VinaLAB đã thành lập 3 ban chuyên môn: Ban Thử nghiệm thành thạo; Ban Đào tạo và Tư vấn; Ban Phát triển Hội viên, Sự kiện và Truyền thông. Đồng thời, ban hành quy chế chính thức và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên làm công tác Văn phòng của Hội.

Về hoạt động chuyên môn và phổ biến kiến thức, Hội đã tổ chức thành công hội thảo "Thách thức và cơ hội đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp"; Tổ chức họp toàn thể hội viên với sự tham gia của khoảng 100 Hội viên, nghe báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực: Thông tin về APAC – Hiệp hội công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (sát nhập giữa PAC và APLAC); hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khối ASEAN; Đảm bảo kết quả thử nghiệm và xây dựng thương hiệu quốc gia về thử nghiệm nói riêng và đánh giá sự phù hợp nói chung; Thách thức và cơ hội đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp; Đảm bảo kết quả thử nghiệm thông qua Thử nghiệm thành thạo và so sánh liên phòng,…

Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với một số hội chuyên ngành, đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức thành công hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với ngành phân tích và thử nghiệm Việt Nam giai đoạn 2021-2025 - Những phương pháp phân tích mới trong lĩnh vực thực phẩm và môi trường”, thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu, là Hội viên của VinaLAB, nhà khoa học đến từ các trường đại học, Viện nghiên cứu khoa học, đơn vị cung cấp thiết bị và hóa chất trên cả nước; nghe các báo cáo khoa học về phương pháp phân tích nhanh các chất mới thuộc lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và môi trường.

Về hoạt động tư vấn, đào tạo, từ đầu năm 2021 đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động đào tạo trực tiếp tạm thời chưa được tổ chức. Tuy nhiên bằng hình thức trực tuyến, Hội đã hỗ trợ nhiều đơn vị khoa học trên cả nước về các thông tin liên quan đến trang thiết bị, hóa chất và kỹ thuật phân tích; kết hợp với JAIMA triển khai các hoạt động tư vấn để phát triển thị trường hóa chất, thiết bị phân tích nhanh, kế hoạch đào tạo chuyển giao phương pháp thử mới,…

 
Về hoạt động thử nghiệm thành thạo, Hội đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia; Văn phòng Công ty TNHH Đảm bảo Chất lượng Việt Nam (AoV) tại TP Hồ Chí Minh triển khai các chương trình thử nghiệm thành thạo phù hợp nhu cầu của Hội viên, khách hàng. Hiện tại, Hội đang xúc tiến kết hợp với một số đơn vị, Hội có liên quan để phát triển các chương trình thử nghiệm thành thạo lĩnh vực thực phẩm, xăng dầu,…

Công tác phát triển hội viên, sự kiện và truyền thông cũng đã có bước phát triển quan trọng. Theo đó, trang thông tin điện tử của Hội đã được kết nối với cơ sở dữ liệu của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng), hỗ trợ Hội viên tra cứu thông tin tiêu chuẩn các lĩnh vực chuyên môn một cách nhanh và chính xác.

 
Liên quan đến việc kết nối và chuyển giao thiết bị, phương pháp thử, Chủ tịch VinaLAB Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh rằng, các hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa, vì đây là các phương pháp thử mới chúng ta cần. Thông qua chuyển giao thiết bị và phương pháp thử sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam phù hợp, hài hòa với yêu cầu kỹ thuật của thế giới.
 

Để thúc đẩy và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động của VinaLAB giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, các đồng chí trong Ban Thường vụ nhất trí cao với ý kiến cần sớm bổ sung, hoàn thiện các Quy chế bảo trợ chuyên môn, Quy chế đào tạo, Quy chế Thử nghiệm thành thạo,…

Đồng thời, lựa chọn các đơn vị chuyên môn có đủ năng lực để cung cấp các chương trình thử nghiệm thành thạo liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, xăng dầu, đồ chơi trẻ em; Tổng hợp ý kiến Hội viên để kiến nghị các Bộ về việc đổi mới, ban hành cơ chế chính sách phát triển sản xuất và khoa học công nghệ, qua đó thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới; Tiếp tục hợp tác với các đơn vị chuyên môn để đào tạo, chuyển giao phương pháp thử mới;…

Cũng tại cuộc họp, các Ủy viên Ban Thường vụ đã dành nhiều thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến vào mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ của Hội VinaLAB trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chống gian lận kết quả đánh giá sự phù hợp, các đại biểu tán thành cao với đề xuất cần áp dụng số hóa tại các đơn vị hội viên.

Việc thực hiện tốt các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ đã đề ra chính là tiền đề để Hội VinaLAB phát triển vững mạnh, khẳng định vị thế và thương hiệu trong những năm tiếp theo.

 Theo Tạp chí thử nghiệm ngày nay

Công nghệ vượt trội tàu đệm vận tốc nhanh nhất thế giới của Trung Quốc(VietQ.vn) - Mới đây, Trung Quốc chính thức ra mắt tàu đệm từ có tốc độ tối đa lên đến 600 km/h. Đây được coi là tàu đệm có vận tốc nhanh nhất thế giới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang