Chuyển đổi số - đổi mới mô hình kinh doanh, tạo giá trị mới trong thời gian dài

author 06:22 30/11/2021

(VietQ.vn) - Công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp nhà nước cho thấy, doanh nghiệp tập trung hơn vào quy trình nội bộ nhằm tối ưu hóa hiệu quả làm việc. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ lại tập trung hơn vào yếu tố bên ngoài như thu hút khách hàng để tối đa hóa dòng tiền.

Theo khảo sát mới công bố của Đại học RMIT, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực 2 của nền kinh tế (trong đó có ngành sản xuất và xây dựng) không sẵn sàng chuyển đổi số bằng doanh nghiệp thuộc khu vực 1 (nông - lâm - ngư nghiệp…) và khu vực 3 (dịch vụ). Các doanh nghiệp được khích lệ dấn bước đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số để tận dụng những cơ hội khai mở giá trị trong doanh nghiệp.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn chung tự tin và lạc quan về chuyển đổi số cũng như nhu cầu chuyển đổi ngành nghề hay doanh nghiệp của họ vào không gian số. Tuy nhiên, theo các khu vực kinh tế cho thấy, doanh nghiệp thuộc từng khu vực có ưu tiên hơi khác nhau trên hành trình chuyển đổi số. Công cuộc chuyển đổi số của DNNN cho thấy, doanh nghiệp tập trung hơn vào quy trình nội bộ nhằm tối ưu hóa hiệu quả làm việc. Trong khi đó, DNVVN lại tập trung hơn vào yếu tố bên ngoài như thu hút khách hàng để tối đa hóa dòng tiền.

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu phát triển của xã hội hiện nay.  

Liên quan đến năng lực quản trị chuyển đổi, cho thấy quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp thuộc khu vực 2 có chiến lược chuyển đổi số chưa phù hợp hoặc thiếu định hướng, với mức độ tương tác trong doanh nghiệp quanh chuyển đổi số ở mức khá thấp. Doanh nghiệp khu vực 2 nhìn nhận có phần tiêu cực về đầu tư cho công nghệ định hướng dữ liệu và nhân viên cũng có nhận thức tương tự về nền tảng kỹ thuật số.

Mục tiêu của chuyển đổi số không phải là cải tiến một lần đối với các quy trình hiện có, cũng không nên mong đợi kết quả tức thì. Thay vào đó, chuyển đổi số thực sự sẽ đổi mới mô hình kinh doanh, sử dụng dữ liệu hoạt động và dữ liệu khách hàng nhằm liên tục tạo ra giá trị mới trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia của nhóm nghiên cứu, có 2 năng lực thiết yếu doanh nghiệp cần có để chuyển đổi số thành công là năng lực quản trị chuyển đổi và năng lực kỹ thuật số. Năng lực quản trị chuyển đổi dựa trên 3 khái niệm: quản trị; chiến lược và văn hóa; mô tả hiệu quả lãnh đạo của ban lãnh đạo trong quá trình dẫn dắt doanh nghiệp – gồm cán bộ nhân viên, các nhà cung cấp và khách hàng – hướng tới chuyển đổi số.

Trong khi đó, năng lực kỹ thuật số chỉ ra cách doanh nghiệp tận dụng công nghệ định hướng dữ liệu như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và internet vạn vật, để mở rộng quy mô hoạt động, thu hút khách hàng và gia tăng giá trị.

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot