Chuyển đổi số: ‘Kịch bản’ tối ưu cho nền kinh tế

author 07:02 31/05/2019

(VietQ.vn) - “Trong kịch bản tối ưu chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Song, khó tránh khỏi những rủi ro...” PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Việt Nam nổi lên như công xưởng châu Á

Theo tài liệu công bố của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thời gian qua, Việt Nam mở cửa thương mại và đầu tư, trở thành điểm quan trọng trong thương mại toàn cầu. Việt Nam nổi lên như công xưởng châu Á, chuyên môn hoá ở khâu lắp ráp với sự dẫn dắt của các công ty nước ngoài.

Việt Nam nổi lên như công xưởng châu Á. Ảnh minh họa. 

Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm 42% và 40% giá trị xuất khẩu năm 2017. Bước nhảy vọt này là kết quả của chiến lược hướng vào ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, máy tính, đồ điện tử... với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, LG, IBM, Nokia và Intel,..

Tuy nhiên, các tập đoàn này chủ yếu nhập sản phẩm trung gian từ các chi nhánh nước ngoài, dẫn tới sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị lệch về liên kết phía sau. Ngoài điện tử, Việt Nam cũng tham gia tích cực trong các ngành thực phẩm, đồ uống, dệt may và giày dép,...

Cấu trúc thương mại của Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhập khẩu hàng hoá trung gian lên tới 47,9% lớn hơn rất nhiều lần so với xuất khẩu. Việt Nam tham gia mạnh vào liên kết phía sau hơn về phía trước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhờ mô hình nhập khẩu để xuất khẩu phục vụ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã có tăng trưởng liên tục trong suốt thập kỷ vừa qua, giúp giải quyết việc làm, dự trữ ngoại hối và cải thiện đời sống,.. Tuy nhiên, mô hình này có thể tồn tại bao nhiêu lâu phụ thuộc vào sự bền vững của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với 2 mấu chốt là điểm tắc nội sinh của mô hình và cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ứng dụng công nghệ tạo năng suất đột phá

Đánh giá về việc tận dụng CMCN 4.0 trong phát triển kinh tế, PGS. TS  Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, ứng dụng công nghệ của giai đoạn 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD năm 2030, giúp thu nhập đầu người tăng thêm từ 315 đến 640 USD.

 PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR. Ảnh: VEPR. 

Cùng với đó, ông Thành cũng chỉ ra 4 kịch bản phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Trong kịch bản tối ưu chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tăng. Song, rủi ro là nguy cơ tấn công mạng trên toàn quốc cao hơn, bất bình đẳng giữa nông thôn – thành thị gia tăng; phát sinh các vấn đề liên quan tới những việc làm bị thay thế bởi tự động hóa...

Trong kịch bản truyền thống, mức độ chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp và ngành công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động nhỏ lẻ, GDP tăng thêm chỉ đạt mức 0,38%/năm. Nhưng rủi ro của kịch bản này là năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh về kinh tế, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói trong xã hội.

Hai kịch bản còn lại là xuất khẩu số và tiêu dùng số có tăng trưởng GDP thêm ở mức tương ứng là 0,45% và 0,63%. Tuy nhiên, cả hai kịch bản này đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Vì vậy ông Thành cho rằng, vấn đề là các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng các kịch bản đó như thế nào để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam với mức độ rủi ro chấp nhận được.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra rằng, về trung và dài hạn, công nghiệp 4.0 với công nghệ làm đòn bẩy giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy “trung nguồn”, chiếm dần các khâu ở 2 phía thượng nguồn và hạ nguồn.

“Do đó, giải pháp ứng dụng công nghệ tạo năng suất đột phá, giúp Việt Nam “nhấc” đường cong nụ cười lên phía trên, nghĩa là tham gia ở khâu cũ nhưng năng suất mới tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, chuỗi giá trị bị bẻ sâu xuống, nghĩa là khoảng cách giá trị gia tăng giữa các khâu sẽ khác biệt nhiều hơn trước”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi liên kết toàn cầu. Vì vậy, theo ông Thành: “Việt Nam cần tận dụng tối đa các lợi thế về ví trí chiến lược trong khu vực, các ưu đãi về thuế quan, chi phí lao động khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do”.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: 'Chúng ta có thể biến nội lực thành sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam'(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, từng bước, chúng ta có thể biến nội lực thành sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang