Chuyển đổi số ngành logistics - lực đẩy hỗ trợ các ngành kinh tế cùng phát triển

author 21:24 27/04/2023

(VietQ.vn) - Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, ngành logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để có thể hỗ trợ tối đa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

Ngày 27/4/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’ với sự tham dự của gần 300 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, thương mại, logistics, một số doanh nghiệp lớn trong từng ngành hàng.

Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức góp phần định hướng về chuyển đổi số ngành logistics, nhằm hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá trong nước và các ngành dịch vụ khác.

Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’.

Chuyển đổi số- nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics

Tại hội thảo, ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14 đến 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn những hạn chế như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là ứng dụng công nghệ số chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’. Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Vừa qua, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

 Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics

Giải pháp công nghệ cho ngành logistics

Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.

Ông Trương Tấn Lộc- Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ, là nhà khai thác cảng container, cung cấp dịch vụ logistics và các dịch vụ kinh tế biển hàng đầu Việt Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã từng bước ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Hiện AI của Tân Cảng Sài Gòn có thể trả lời hầu hết câu hỏi thông thường về các quy trình thủ tục tác nghiệp tại Cảng Cát lái. AI được tích hợp trên Website và các trang Fanpage, Zalo OA và E-port. tạo tiện lợi cho khách hàng có thông tin kịp thời.

SLP Việt Nam là một trong những công ty đi đầu trong phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần hiện đại. Ông Đinh Hoài Nam-  Giám đốc phát triển Kinh doanh của công ty cho biết, trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống. Nhà kho hiện đại được trang bị công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển.

Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác. Các hệ thống kho thông minh cung cấp thông tin chi tiết về quy trình lưu trữ, vận chuyển và quản lý hàng hóa, giúp tối ưu hóa tất cả các hoạt động này.

Đại diện cho khối thương mại điện tử, ông Nguyễn Triều Quang- Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; Ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; Phát triển logistics xanh bền vững.

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội, Hội ngành hàng và doanh nghiệp cùng với các chuyên gia, viện nghiên cứu đã trao đổi về tình hình chuyển đổi số ngành logistics hiện nay, từ đó đưa ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics thông qua chuyển đổi số nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá.

Theo ông Phan Văn Chinh, với vị trí địa chính trị đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, trở thành lực đẩy hỗ trợ các ngành kinh tế cùng phát triển- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang