Chuyển đổi số trong nông nghiệp - kinh nghiệm tại châu Âu và gợi mở cho Việt Nam

author 09:46 01/09/2022

(VietQ.vn) - Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về chuyển đổi số trong nông nghiệp và phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của một số nước châu Âu, từ đó, đưa ra một số đề xuất đối với Chính phủ Việt Nam.

Tóm tắt: Với thành công của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang là xu hướng tất yếu nhằm bắt kịp sự chuyển đổi trong mô hình sản xuất nông nghiệp. Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về chuyển đổi số trong nông nghiệp và phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của Đan Mạch, Estonia và Hungary là các quốc gia châu Âu thực hiện thành công mô hình nông nghiệp số. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước châu Âu là cần thiết. Đó là một trong những đề xuất đối với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với sự chuyển đổi mang tính cách mạng trong một môi trường hoạt động phức tạp bởi sự thay đổi của công nghệ và kinh tế, mối quan tâm của người tiêu dùng, biến đổi khí hậu và chuỗi giá trị toàn cầu (AER, 2019). Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) dự báo rằng vào năm 2050, hơn 90% nhu cầu lương thực toàn cầu sẽ được cung ứng bằng cách tăng sản lượng đất canh tác hiện tại dựa trên những tiến bộ khoa học trong nghiên cứu nông nghiệp.

Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một chính sách ưu tiên ở cấp độ toàn cầu (Trendov et at, 2019; Ngân hàng Thế giới, 2019). Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu đặt ra một trong những mục tiêu là “kết nối hoàn toàn giữa nông dân với nền kinh tế số” nhằm đạt được một tương lai thông minh, hiện đại và bền vững về lương thực và nông nghiệp (Ủy ban châu Âu, 2017).

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với 63% người dân sống ở khu vực nông thôn và 68% người dân làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 13,96% GDP của cả nước, nguyên nhân do mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị (Tổng cục Thống kê, 2019).

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 có tác động nặng nền đến xuất khẩu nông sản, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Vấn đề cấp thiết đặt ra, Việt Nam cần phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ sản xuất, tập trung vào thị trường nội địa. Do đó, chuyển đổi số được xem là một đáp án quan trọng để giải quyết các vấn đề và mang lại hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã triển khai ở nhiều quốc gia phát triển của châu Âu và đạt được nhiều thành công. Đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, nền nông nghiệp có thể coi là lạc hậu, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn mới thì việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước có thể giúp rút ra những bài học quý báu cho quá trình hoạch định chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu của bài viết nhằm phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của một số quốc gia châu Âu để rút ra một số gợi ý cho Việt Nam trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý luận về chuyển đổi số trong nông nghiệp

Siebel (2019) định nghĩa bản chất chuyển đổi số là sự hội tụ của bốn công nghệ đột phá sau: Công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự hội tụ này khiến cho phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của chuyển đổi số hết sức rộng lớn, do đó có nhiều cách nhìn và cách tiếp cận chuyển đổi số khác nhau. Các nhà lãnh đạo, quản trị nhân sự chú ý đến ảnh hưởng của chuyển đổi số để tái cấu trúc nền kinh tế, ngành nghề, doanh nghiệp và những tác động lên lực lượng lao động.

Chuyển đổi số thực chất là tên gọi khác của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Ustundag và Cevikcan (2018) đã chỉ ra: “Kỷ nguyên chuyển đổi số mà chúng ta đang sống khác các thời đại khác là không chỉ mang đến sự thay đổi quá trình kinh doanh cơ bản mà còn làm nổi bật quan niệm sản phẩm tương tác thông minh thể hiện qua các mô hình kinh doanh theo hướng dịch vụ”.

Chính quyền bang Victoria (Australia) định nghĩa chuyển đổi số trong nông nghiệp là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật nông nghiệp để tích hợp sản xuất nông nghiệp từ nông trại đến người tiêu dùng. Những công nghệ này có thể cung cấp cho ngành nông nghiệp các công cụ và thông tin để đưa ra các quyết định đúng đắn và cải thiện năng suất.

Tổ chức lương thực thế giới (FAO, 2020) cho rằng nông nghiệp số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ tạo xu hướng mới được tích hợp vào một hệ thống duy nhất dựa trên việc sử dụng internet vạn vật, dữ liệu lớn, máy móc công nghệ để cho phép các nhà sản xuất nông nghiệp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị cải thiện hiệu quả của các quy trình sản xuất.

Một nghiên cứu gần đây của Korotchenya et al (2019) định nghĩa chuyển đổi số trong nông nghiệp là việc tiến hành các hoạt động nông nghiệp dựa trên các phương thức sản xuất hiện đại, sử dụng công nghệ số tạo điều kiện tăng năng suất và giảm đơn giá tài nguyên sản xuất.

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhưng trong nghiên cứu này có thể hiểu chuyển đổi số trong nông nghiệp và việc ứng dụng công nghệ số trong tự động hóa sản xuất trong nông nghiệp, đồng thời quản lý, giám sát chuỗi cung ứng bằng công nghệ số, bảo đảm sự nhanh chóng, minh bạch, chính xác.

3. Phương pháp nghiên cứu

Chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam là một quá trình khá phức tạp, đòi hỏi rất nhiều tài liệu liên quan và trải qua những giai đoạn khác nhau. Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm:

- Phương pháp thu thập thông tin và số liệu: Thông tin và số liệu được thu thập từ các bài báo nghiên cứu về chuyển đổi số và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

- Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: Nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác nhau về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách phân tích chúng thành từng bộ phận để tìm hiểu sâu sắc. Tổng hợp, liên kết từng mặt, từng bộ phận thông tin đã được phân tích tạo ra một hệ thống lý thuyết đầy đủ và sâu sắc về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Phương pháp phân tích tổng kết kinh nghiệm: Nghiên cứu và xem xét các chủ trương và quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của một số quốc gia châu Âu để rút ra một số gợi ý cho Việt Nam.

4. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của một số quốc gia châu Âu

 Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Ảnh minh họa.

4.1. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của Đan Mạch

Đan Mạch là quốc gia thuộc vùng Scandinavia ở Bắc Âu với nền kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù là quốc gia nhỏ bé với chỉ 5,6 triệu dân và chi phí lao động rất cao nhưng Đan Mạch là một siêu cường trong nông nghiệp, có quy mô chăn nuôi 30 triệu con lợn và rất nhiều các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Theo báo cáo chính thức về “Công nghệ đổi mới” của Viện Tri Thức Nông nghiệp Đan Mạch, ngành nông nghiệp đã tăng trưởng bền vững thông qua canh tác thông minh. Theo đó, nông dân là những người đi đầu trong việc sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp tại Đan Mạch. Do đó, sản xuất nông nghiệp của Đan Mạch luôn dẫn đầu về các kỹ thuật công nghệ. Nông nghiệp chính xác trở thành dấu ấn quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Đan Mạch.

Một nghiên cứu vào năm 2018 của Bộ Nông nghiệp Đan Mạch cho thấy 27% nông dân Đan Mạch có tay nghề cao sử dụng hệ thống RTK (Real - Time Kinematic) là một phương pháp đo lường để tăng độ chính xác của tín hiệu định vị toàn cầu (GPS) được ứng dụng trên máy kéo nông nghiệp, máy rải phân bón và một số loại máy nông nghiệp khác để đảm bảo lượng phân bón và thuốc diệt cỏ được sử dụng đúng và hạt giống được gieo ở độ sâu phù hợp để tăng trưởng tối ưu. Bên cạnh đó, Đan Mạch xây dựng Trung tâm kiến thức nông nghiệp SEGES do nông dân sở hữu trực thuộc Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch để phát triển một số công cụ cho phép nông dân kết nối với các vệ tinh và hưởng lợi từ nó.

Samson Agro là một doanh nghiệp cung ứng trang trại hợp tác của Đan Mạch, đã mở rộng công nghệ canh tác thông minh của họ với giải pháp GDS cho ứng dụng chất dinh dưỡng cây trồng thay đổi dựa trên bản đồ GPS. Giải pháp này được kết hợp với hệ thống cảm biến cộng hưởng từ hạt nhân giúp đo lường thời gian chính xác các chất dinh dưỡng như nitơ, phốt pho và kali trong phân bón tự nhiên. Với cách này, nông dân có thể chắc chắn rằng máy rải phân bón sẽ phân phối các chất dinh dưỡng một cách chính xác, theo yêu cầu của từng phần ruộng.

Sự phổ biến của quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Đan Mạch không chỉ dừng lại ở hệ thống GPS tiên tiến. Nông nghiệp của Đan Mạch đã ứng dụng robot và máy bay không người lái trong hoạt động sản xuất của nông dân. Agrolntelli một nhà sáng chế của Đan Mạch đã nghiên cứu ra Robotti, một tàu chở công cụ tự động chạy bằng thủy lực có thể hoàn thành các hoạt động làm cỏ và phun thuốc trên cánh đồng mà không cần người lái.

Ngoài ra, nông dân Đan Mạch có thể giám sát việc kiểm soát cỏ dại trong các vụ mùa từ điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay. Máy bay không người lái là phương pháp canh tác thông minh được ứng dụng rộng rãi tại Đan Mạch. Máy bay không người lái trên các cánh đồng để xác định cỏ dại và đảm bảo sử dụng thuốc diệt cỏ đúng mục đích. Chính phủ Đan Mạch khuyến khích các nông trại sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vì lợi ích môi trường mà nó đem lại, cải thiện năng suất và giảm chi phí nông trại. Không giống với các ứng dụng khác, Chính phủ Đan Mạch nhận thấy việc sử dụng máy bay không người lái có thể giảm lãng phí các nguyên liệu thô có giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Hơn nữa, Đan Mạch đã xây dựng hơn 1.000 trạm thời tiết tại các cánh đồng của nông dân dựa trên ứng dụng FieldSense. Các trạm thời tiết cung cấp cho nông dân cái nhìn sâu sắc về thời tiết và dữ liệu thời tiết, được kết hợp với hình ảnh vệ tinh trong nền tảng FieldSense, giúp đảm bảo việc chuẩn bị các bản đồ phân bổ nông nghiệp chính xác. Mô hình trạm thời tiết này cũng đang được ứng dụng nhiều ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan...

Ngoài ra, Đan Mạch đã triển khai một ứng dụng thông minh giúp quản lý hàng tồn kho đối với cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, thức ăn gia súc cho nông dân với tên gọi là Grainit. Thêm vào đó, vận chuyển và bảo quản nguyên liệu đúng cách cũng là những yếu tố quan trọng trong góp phần phát triển nông nghiệp chính xác.

Vì lý do này, các nông trại của Đan Mạch đã phát triển các hầm khép kín để kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm của ngũ cốc được bảo quản, chống côn trùng và loại bỏ các tạp chất như hạt cỏ dại. Các hầm khép kín này làm giảm đáng kể khối lượng ngũ cốc bị thải ra sau thu hoạch.

4.2. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của Estonia

Estonia là quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Bắc Âu chỉ với dân số 1,3 triệu người nhưng được công nhận là một trong những quốc gia có kỹ thuật số phát triển nhất thế giới. Estonia được biết đến là quốc gia kỹ thuật số phát triển nhất trên thế giới không chỉ vì họ sở hữu 4 ứng dụng công nghệ lớn là Skype, Playtech, Tranferwise và Bolt mà còn bởi vì Chính phủ Estonia đã và đang tích cực triển khai trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực kinh tế của quốc gia này. Khi nhắc đến chuyển đổi số trong nông nghiệp, Estonia là một ví dụ điển hình mà nhiều quốc gia hướng đến.

Các cơ quan công quyền của Estonia đã có những nỗ lực nghiêm túc để phát triển Hệ thống Thông tin địa lý (GIS) trong sản xuất nông nghiệp. Tại Estonia, lớp trao đổi dữ liệu phân tán được quản lý tập trung giữa các hệ thống thông tin (X-Road) là công cụ quan trọng kết nối các thành phần phi tập trung của hệ thống với nhau, cho phép các cơ sở dữ liệu trong khu vực công và khu vực tư nhân liên kết, hoạt động hài hòa, bất kể họ sử dụng nền tảng công nghệ nào.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, X-Road cho phép tất cả hệ thống có thể kết nối với nhau và dễ dàng kết hợp thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API). Cơ sở dữ liệu của Estonian Land Board, E-Land Register và Ban Thông tin Đăng ký Nông nghiệp Estonian được kết nối với nhau, dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin về bất kỳ vị trị nào trong đất liền của Estonia như số đăng ký địa chính, mục đích sử dụng đất, loại đất, giới hạn khu vực được bảo vệ, chủ sở hữu đất, người sử dụng đất... Không giống như ở nhiều quốc gia khác, tại Estonia những dữ liệu này được mở và có thể truy cập công khai, vì sự tin cậy và bảo mật được đảm bảo bằng cách truy cập bằng e-ID.

Ngoài ra, Estonia sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho phép theo dõi vị trí và chuyển động của máy kéo nông nghiệp cũng như các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp khác, do đó, có thể thu thập đầy đủ thông tin về các hoạt động được phép và thực hiện ở địa điểm này, cũng như mức năng suất. Hơn nữa, Estonia sử dụng các hình ảnh vệ tinh để kiểm tra tình trạng cắt cỏ tại trang trại và phát hiện các loại cây trong rừng.

Estonia là quốc gia nổi tiếng với các trang trại bò sữa và lợn trên thế giới. Do đó, Estonian Livestock Performance Recording Lts. (ELPR) đã tạo ra các ứng dụng rất sáng tạo cho nông dân chăn nuôi bò sữa, nhằm theo dõi sản lượng sữa, chất lượng sữa và các chỉ số sinh sản của vật nuôi. Các trang trại chăn nuôi có thể nhập dữ liệu của họ thông qua ứng dụng web với Vissuke cho sữa và Possu cho lợn.

Cơ sở dữ liệu của ELPR được kết nối với Ban Thông tin Đăng ký Nông nghiệp Estonia, cho phép đồng bộ hóa việc đăng ký thay đổi đàn vật nuôi mà không cần nhập dữ liệu gấp đôi và giảm thiểu các sai sót có thể xảy ra. Hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Estonia sử dụng cơ sở dữ liệu của ELPR để ghi lại sự di chuyển của đàn bò trong trang trại của họ.

Đại học Khoa học Estonia và Hiệp hội Chăn nuôi động vật Estonia đã khởi động một dự án chung với nội dung “Ứng dụng Hệ thống đo lường hiệu suất để ra quyết định chính xác và tăng hiệu quả của quy trình sản xuất tại các trang trại chăn nuôi bò sữa”. Với mục tiêu là tạo khả năng cho các nhà quản lý và chuyên gia của trang trại bò sữa đánh giá hiệu quả quá trình sản xuất. Một cơ sở dữ liệu đặc biệt được tạo ra trong dự án, trong đó các trang trại tham gia nhập thông tin về chi tiêu và thu nhập, sử dụng thức ăn, di chuyển đàn vật nuôi.

Dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của ELPR được sao chép tự động để tránh nhập hai lần. Trên cơ sở những dữ liệu này, các chỉ số hiệu suất được tính toán, làm cơ sở cho việc đo lường. Bên cạnh đó, một điểm nổi bật của dự án là sử dụng Olik Sense, một trong những phần mềm kinh doanh thông minh hàng đầu để phân tích kết quả. Olik Sense giúp xử lý dữ liệu lớn thành các chỉ số và báo cáo tình trạng đàn vật nuôi tại các trang trại.

Ngoài ra, nhiều ứng dụng sáng tạo trong sản xuất cây trồng đã được phát triển ở Estonia nhằm mục tiêu đơn giản hóa công việc sản xuất của nông dân. Nổi bật nhất là hệ thống quản lý trang trại VitalFields hoặc eAgronom, chúng cho phép lưu trữ dữ liệu từ công việc sản xuất trên đồng ruộng, lập kế hoạch tương lai, giám sát lượng phân bón, thuốc trừ sâu được sử dụng trên đồng ruộng và kiểm kê trang trại.

4.3. Kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp của Hungary

Hungary là quốc gia tương đối nhỏ với dân số chỉ 10 triệu người. Là quốc gia phát triển, trong đó ngành nông nghiệp là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của châu Âu. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn nước nóng sẵn có, đất đai màu mỡ và cơ sở hạ tầng kết nối tốt ở trung tâm châu Âu. Do đó, Hungary có tiềm năng lớn về nông nghiệp, với diện tích sử dụng trong nông nghiệp chiếm 80% và đóng góp khoảng 5% tổng thu nhập quốc nội (FAO, 2019). Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và việc thực hiện Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của châu Âu đã thúc đẩy Chính phủ Hungary tăng cường phát triển chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Vào tháng 2 hằng năm, Hội nghị PREGA sẽ được tổ chức tại thủ đô Budapest (Hungary) với chủ đề tập trung vào các xu hướng mới nhất trong phát triển nông nghiệp dựa trên số hóa và nông nghiệp chính xác (nông nghiệp 4.0). PREGA là hội thảo thường niên của các doanh nghiệp nông nghiệp, các nhà nghiên cứu và nhà thực hành trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác của Hungary. Bước tiến lớn trong lịch sử nông nghiệp của Hungary là số hóa và canh tác chính xác. Do đó, Hungary công nhận nông nghiệp chính xác là phương pháp chính để tăng cường sản xuất nông nghiệp hiệu quả và giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng, thu hút thế hệ trẻ và giảm áp lực lên môi trường. Các kỹ thuật nông nghiệp chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý mở rộng quy mô các khu vực được tưới tiêu tại Hungary.

Tại Hungary, bên cạnh các doanh nghiệp nông nghiệp lớn hoặc nhỏ, Chính phủ, các tổ chức tài chính và các Viện nghiên cứu hợp tác với nhau để đưa nông nghiệp chính xác lên vị trí cao trong chương trình nghị sự quốc gia. Nông nghiệp chính xác phản ánh chiến lược chuyển đổi số trong nông nghiệp đầu tiên của Hungary.

Năm 2016, Hungary xây dựng Chiến lược Nông nghiệp số (DAS) đánh dấu một chương mới cho ngành nông nghiệp của quốc gia. Chiến lược này giúp hợp lý hóa các quy trình hành chính, do đó cho phép các nhà sản xuất tăng hiệu quả. Bộ Nông nghiệp Hungary nhận định chiến lược cho phép các cấp tổ chức cao hơn, từ đó đẩy nhanh quy trình sản xuất.

DAS sẽ hoạt động như một sự kết hợp giữa ngân hàng tri thức và phần mềm quản trị. Mục tiêu của nó là tạo ra một môi trường chính xác thuận lợi để kết hợp các công nghệ canh tác chính xác vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chiến lược này còn cung cấp thông tin về công nghệ nông nghiệp mới nhất, phân tích dữ liệu hỗ trợ công việc hằng ngày của từng nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Trọng tâm của DAS là đào tạo kỹ thuật nông nghiệp và cung cấp cho nông dân khả năng tiếp cận thông tin và kiến thức có giá trị. Đào tạo kỹ thuật có vai trò quan trọng trong chiến lược vì những người theo học ngành kỹ thuật nông nghiệp có thể chia sẻ bộ kỹ năng họ học được với các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp. Do đó, giúp các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp cập nhật những phát triển mới đang diễn ra trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chiến lược cũng sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.500 - 3.000 kỹ thuật viên công nghệ thông tin và nhà phát triển phần mềm tại Hungary.

Hơn nữa, để tăng cường đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số trong nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hungary cho biết, các trường đại học đã đào tạo nhiều khóa học hơn về mối quan hệ giữa công nghệ thông tin và nông nghiệp. Đại học Széchenyi István đã hợp tác với đơn vị địa phương của Hewlett – Packard, Viện Khoa học Máy tính & Điều khiển của Học viện Khoa học Hungary và liên doanh nghiên cứu internet eNET khởi động dự án nghiên cứu “AgroDat.hu”.

Dự án hướng tới việc tạo ra một hệ thống thông tin nông nghiệp và kho lưu trữ tri thức sử dụng công nghệ dữ liệu lớn. Theo kế hoạch chi tiết của dự án, các cảm biến nông nghiệp năng lượng thấp đặc biệt được nhóm lại và lắp đặt trên và dưới bề mặt tại nhiều điểm quan sát thực địa. Các cảm biến này tạo ra dữ liệu khối lượng lớn dựa trên nhiều yếu tố như độ ẩm, hàm lượng nước, nhiệt độ, áp suất hơi, bức xạ, độ ẩm của lá, sự hình thành băng, nồng độ khí cacbonic, độ dẫn điện, hướng gió. Dữ liệu được gửi đến máy chủ trung tâm (siêu máy tính) thông qua mạng GSM, sau khi trộn với dữ liệu khác, các mô hình dự đoán, mô tả được xây dựng và liên tục tinh chỉnh. Người dùng có thể truy cập cơ sở dữ liệu này và các dịch vụ hỗ trợ quyết định liên quan thông qua cổng thông tin website tương tác và cá nhân hóa.

Một doanh nghiệp nông nghiệp của Hungary có tên là Moow.Farm đã phát triển một thiết bị đặc biệt làm bằng vật liệu bền để đo mức độ axit và nhiệt độ trong dạ dày của gia súc. Các bất thường được phát hiện có thể chỉ ra một căn bệnh hoặc các vấn đề về thức ăn. Thiết bị được đưa vào dạ dày của gia súc và dữ liệu được truyền trực tiếp, tự động đến trạm gốc, sau đó lên đám mây nơi tiến hành phân tích và gửi cảnh báo đến nông dân và bác sĩ thú y. Đó là mô hình thí điểm cho phát triển chăn nuôi gia súc thông minh tại Hungary.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Hungary đã xây dựng chương trình Nông dân Thông minh với mục tiêu phổ biến trên toàn quốc tài liệu nghiên cứu, thiết lập các trang trại thí điểm mô hình nông nghiệp chính xác. Thêm vào đó, Chính phủ Hungary đã đặt mục tiêu giảm “chi phí tiện ích canh tác” lên hàng đầu, thông qua việc giảm phí truy cập và đơn giản hóa các quy định về truy cập dữ liệu nông nghiệp là trọng tâm giúp đưa nông nghiệp chính xác đến gần hơn với các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa.

Để thúc đẩy số hóa và các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp chính xác tại Hungary, luật pháp đã được điều chỉnh. Quy định về việc sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp đã được ban hành. Ngoài ra, việc sử dụng máy bay không người lái đang được chú trọng mạnh mẽ trong các chương trình kỹ thuật sau đại học của các trường đại học đào tạo kỹ thuật nông nghiệp chính xác tại Hungary.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hungary có các chính sách mở cửa cho doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chuyển giao kiến thức, công nghệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác tại Tây Âu, đặc biệt là Hà Lan.

4. Một số gợi ý cho Việt Nam

Nông nghiệp Việt Nam với thành phần chủ yếu là kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, có xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ so với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ tạo ra những giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp của Việt Nam như dự báo nhu cầu thị trường chính xác, dự đoán nguồn cung sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu.

Đồng thời giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam có thể và cần thiết phải học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước về xây dựng và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Những bài học đúc kết từ quá trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp của một số quốc gia châu Âu gợi mở hướng đi tiếp theo cho Việt Nam trong nỗ lực tiếp tục xây dựng và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cập nhật chương trình đào tạo, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đào tạo kiến thức, kỹ năng số trong nông nghiệp. Kinh nghiệm của Hungary cho thấy đào tạo kiến thức và kỹ năng số là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do đó, cần thường xuyên cập nhật những chương trình giảng dạy, hướng tới phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Tập trung nâng cao các kỹ năng như lập trình, khởi nghiệp và triển khai các sáng kiến, quản lý và chiến lược. Đưa nội dung mối quan hệ giữa công nghệ thông tin truyền thông và ngành nông nghiệp vào các chương trình đào tạo ngành kỹ thuật nông nghiệp tại các trường đại học. Phối hợp với các doanh nghiệp nông nghiệp để xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách hạn chế chảy máu chất xám, thu hút nhân tài công nghệ thông tin làm việc tại Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam cần sớm ban hành chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và các khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi số để các bên liên quan nắm được chủ trương, định hướng và đầu tư có trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.

Thứ ba, phát triển hạ tầng số. Triển khai băng thông rộng chất lượng trên toàn quốc đặc biệt là các vùng nông thôn, nâng cấp băng thông quốc tế bảo đảm độ tin cậy và dung lượng đáp ứng nhu cầu của các hoạt động tiếp cận thông tin về chuyển đổi số trong nông nghiệp của quốc tế. Ứng dụng điện toán đám mây cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Phát triển các nền tảng internet vạn vật (IoT), triển khai mạng IoT diện rộng phục vụ phát triển nông trại thông minh. Kinh nghiệm của Esstonia cho thấy Việt Nam cần xây dựng và triển khai các dịch vụ xác minh thông tin danh tính, phát triển dịch vụ xác minh danh tính trên nền tảng di động (Mid).

Thứ tư, đúc kết kinh nghiệm từ 3 quốc gia châu Âu cho thấy, trong thời gian tới Việt Nam cần tăng cường phát triển hệ thống Thông tin địa lý (GIS) trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống dựa trên cơ sở dữ liệu đã được phân tích đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, sự thay đổi của thời tiết, kết hợp các tính toán về chi phí, doanh thu dự kiến, từ đó đưa ra sự lựa chọn và giải pháp bố trí sản xuất, canh tác tối ưu trên khu đất, tính toán được lợi nhuận dự kiến cho từng phương án tổ chức sản xuất. Hệ thống này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bố trí và quản lý sản xuất nông nghiệp, quản lý được nguồn cung nông sản.

Nguyễn Danh Nam, Uông Thị Ngọc Lan - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang