Chuyển đổi xe điện - hướng đi tất yếu để phát triển giao thông bền vững

(VietQ.vn) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang xe điện, nhằm hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Nâng cao năng lực sản xuất tối ưu hóa chi phí để doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả
Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh – Đáp ứng yêu cầu ESG và tiêu chuẩn toàn cầu
UBND Thành phố Huế và Tập đoàn Vingroup ký kết hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Phê duyệt đề án người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm
Động lực chuyển đổi xe điện tại Việt Nam
Theo Báo cáo Điểm lại tháng 3/2025 của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề "Hành trình bứt phá: Chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam", sự thay đổi này không chỉ giúp giảm thiểu khí thải mà còn tạo cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp xanh, mở ra tương lai bền vững hơn cho giao thông Việt Nam.
Theo WB, lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đường bộ hiện đang đóng góp 7,2% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam, tương đương 32,9 triệu tấn CO2 vào năm 2021. Để giảm lượng phát thải này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg vào tháng 7/2022, trong đó đặt ra những mục tiêu quan trọng cho quá trình điện hóa giao thông.
Chuyển đổi xe điện là xu thế tất yếu của giao thông xanh, hướng đến mục tiêu Netzero. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, đến năm 2030, 50% phương tiện giao thông đô thị và 100% xe buýt, taxi nội đô sẽ sử dụng năng lượng điện. Xa hơn, đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông đường bộ dự kiến chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.
Xe hai bánh (2W) cũng cần chuyển đổi sang xe điện hai bánh (E-2W) khi đây vẫn là phương tiện đi lại chính đến năm 2035. Theo WB, năm 2022 có 72,16 triệu xe hai bánh đăng ký, chiếm 94% tổng số phương tiện, tương đương 518 xe trên 1.000 dân, trong khi ô tô chỉ đạt 22 xe trên 1.000 dân. Tỷ lệ hấp thụ E-2W sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong xu hướng chuyển đổi này, vốn đã diễn ra từ năm 2014.
Đối với ô tô điện, theo WB, để đạt mục tiêu, doanh số bán tại Việt Nam cần tăng từ 500.000 xe năm 2022 lên 1,5 triệu vào năm 2030 và 7,3 triệu vào năm 2050. Tổng nhu cầu thị trường xe điện có thể đạt trên 7 triệu xe giai đoạn 2024-2030 và 71 triệu xe giai đoạn 2031-2050. Sự phát triển này sẽ thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị xe điện, từ sản xuất, pin, hạ tầng sạc đến bảo trì, tái chế.
Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi
Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công của quá trình này, bà Chiara Rogate - chuyên gia Năng lượng Cao cấp WB cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến hạ tầng.
Trước hết, việc thành lập một cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về xe điện là cần thiết. Cơ quan này sẽ giúp điều phối chính sách giữa các ngành giao thông và năng lượng, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện các mục tiêu điện hóa phương tiện. Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới trạm sạc, đặc biệt là các trạm sạc nhanh tích hợp công nghệ thông minh, đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người dân chuyển sang xe điện. Hiện nay, hạ tầng sạc công cộng còn hạn chế, khiến nhiều người vẫn ngần ngại khi cân nhắc sử dụng phương tiện này.
Ngành điện cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu sạc xe điện ngày càng tăng. Việc quy hoạch điện lực nên tích hợp các dự báo về nhu cầu năng lượng, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Cơ chế giá điện linh hoạt nhằm khuyến khích sạc xe vào giờ thấp điểm cũng là giải pháp đáng cân nhắc để tránh quá tải hệ thống.
Ngoài xe cá nhân, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh điện hóa giao thông công cộng. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đưa vào hoạt động hàng nghìn xe buýt điện vào năm 2030, tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần giải quyết bài toán chi phí đầu tư và đồng bộ hóa hạ tầng.
Một hướng đi khác là chuyển đổi phương thức giao thông. Thay vì tập trung hoàn toàn vào xe điện cá nhân, Việt Nam nên tăng cường đầu tư vào giao thông công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh. Đối với vận tải hàng hóa, việc chuyển từ xe tải sang các phương thức bền vững như đường sắt, đường thủy cũng sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trước sự bùng nổ về thị trường xe điện tại Việt Nam và trên thế giới, nhiều nghiên cứu cho rằng, cần thiết phát triển pin năng lượng mặt trời tại các trạm sạc. Một nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã mô phỏng hệ thống trạm sạc tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Hệ thống có công suất 32,45 kWp, tạo ra khoảng 40.847 kWh/năm, đáp ứng nhu cầu sạc xe điện theo mô hình tự sản xuất - tự tiêu thụ.
Theo nghiên cứu, Hà Nội có mức bức xạ mặt trời trung bình khá, cao điểm vào tháng 7 đạt 5,35 kWh/m2/ngày và thấp nhất vào tháng 1 với 2,27 kWh/m2/ngày. Những yếu tố này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất của các trạm sạc điện mặt trời, đòi hỏi giải pháp tối ưu hóa để đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho xe điện.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang thiếu hạ tầng trạm sạc, gây cản trở cho việc triển khai rộng rãi xe điện. Yêu cầu thực tiễn đặt ra cần phát triển công nghệ, tích hợp phần mềm quản lý trạm sạc xe điện để giải quyết những thách thức này. Việc tối ưu hóa lịch sạc, điều chỉnh giá linh hoạt và nâng cao an toàn qua tính năng tự động ngắt khi pin đầy sẽ giúp cải thiện hiệu suất sử dụng xe điện. Ngoài ra, ứng dụng thanh toán tự động qua các ví điện tử và ngân hàng trong nước cũng sẽ giúp người dùng dễ dàng tiếp cận xe điện hơn.
Đặc biệt, Việt Nam đã và đang ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo sự phát triển của hạ tầng xe điện. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm. Tháng 4/2024, Bộ cũng ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2, trong đó bổ sung nội dung về "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện". Ngoài ra, Bộ đang xây dựng thêm 8 TCVN về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình triển khai.
Nhìn chung, Việt Nam đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, để thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Nếu giải quyết tốt các rào cản về tài chính, hạ tầng và nhận thức cộng đồng, quá trình chuyển đổi sang xe điện không chỉ giúp giảm ô nhiễm mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xanh, mở ra tương lai giao thông bền vững cho Việt Nam.
Duy Trinh (t/h)