Chuyên gia cảnh báo - Sau khi tiêm vắc xin Covid-19 không được uống rượu vì lý do này

author 06:13 03/08/2021

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, uống rượu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 có thể làm tăng tác dụng phụ.

Theo các chuyên gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm, uống rượu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 có thể làm tăng tác dụng phụ, chẳng hạn như chóng mặt, sốt, buồn nôn và đau đầu.

Người tiêm Covid-19 nên kiêng rượu trong vòng 72 giờ (3 ngày) bởi đó là khoảng thời gian mà việc chủng ngừa gây ra một số tác dụng phụ và rượu có thể khiến những phản ứng đó mạnh hơn. Một số nhà khoa học khuyên kéo dài thời gian áp dụng lên 21 ngày (3 tuần).

Trong các nghiên cứu với các loại vắc xin khác, uống quá nhiều rượu có thể làm giảm phản ứng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus.

Mặc dù vậy, giới chuyên môn cũng có những ý kiến khác nhau về mức độ tiêu thụ rượu và sự tác động của rượu tới hiệu quả của vắc xin.

Sau khi tiêm vắc xin Covid-19 không nên uống rượu. Ảnh minh họa

Trước đó khi bắt đầu tiêm vắc xin Sputnik V ngừa Covid-19 vào cuối năm 2020, các nhà khoa học ở Nga đưa ra cảnh báo không uống rượu. Nga là một trong những quốc gia tiêu thụ loại đồ uống này nhiều nhất trên thế giới. Các bác sĩ e ngại việc uống nhiều rượu có thể gây cản trở phản ứng miễn dịch.

Trong khi đó, Angela Hewlett, Phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Đại học Nebraska (Mỹ), nói rằng uống rượu ở mức độ vừa phải không có tác động đến tế bào miễn dịch.

Mặt khác, Tiến sĩ Ronx Ikharia, chuyên gia y tế khẩn cấp, giải thích trong phim tài liệu “Sự thật về việc tăng cường hệ miễn dịch của bạn”, không nên uống rượu trước hoặc sau khi tiêm vắc xin.

Tiến sĩ Ikharia đã tự mình làm một thí nghiệm. Anh đã lấy mẫu máu trước và sau khi uống 3 ly rượu để xem rượu ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của mình như thế nào.

Sau khi phân tích cả hai mẫu, anh có thể kết luận rằng lượng cồn đã uống đủ để làm giảm một nửa mức tế bào bạch huyết trong máu. Đó là những tế bào có trách nhiệm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh bên ngoài.

Nhìn chung, bạn không nên uống rượu trước hoặc sau khi tiêm vắc xin Covid-19 vì việc này có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Sheena Cruishank, Giáo sư khoa học y sinh tại Đại học Manchester, nhận định: “Hệ miễn dịch cần hoạt động hết khả năng để đáp ứng tốt với vắc xin, vì vậy không nên uống rượu vào buổi tối trước hoặc sau khi tiêm”.

Tương tự, trong Quyết định 3588 về việc Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế Việt Nam ban hành khuyến cáo người tiêm vắc xin Covid-19. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng COVID-19; Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.

Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

Dấu hiệu bất thường sau khi tiềm vắc xin Covid-19

Các dấu hiệu bất thường gồm: Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da, chảy máu, xuất huyết dưới da; ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

Toàn thân chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang