Chuyên gia chỉ ra giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ngành chăn nuôi
6 lĩnh vực nào phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính?
Hoạt động kiểm kê khí nhà kính tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế
Sáng ngày 13/9/2024, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống cùng sự đồng hành của Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm TH tổ chức diễn đàn: "Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi: Thách thức và Cơ hội".
Bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Hàng năm, lĩnh vực chăn nuôi đóng góp 25 - 26% vào GDP ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất. Hơn 1 thập kỷ qua, lĩnh vực này duy trì mức tăng trưởng từ 4,5 đến 6%. Do vậy, đã từ lâu, chăn nuôi được xác định là ngành chủ lực cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Cùng với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Vì vậy, việc giảm phát thải trong chăn nuôi là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Tham luận tại diễn đàn về thực trạng phát thải trong ngành chăn nuôi, TS. Nguyễn Thế Hinh - Phó Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có 2 loại khí nhà kính chủ yếu được phát thải từ chăn nuôi là khí mê tan (CH4) và khí Ôxít Nitơ (N2O). Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2.
Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí CH4 từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2016, lượng khí nhà kính phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất là 444 ngàn tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11,2 ngàn tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112 ngàn tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).
Trong số các động vật có phát thải khí mê-tan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 68 kg khí CH4/con/ năm. Tiếp theo là bò thịt và trâu, từ 47 - 55 kg CH4/con/năm. Ngựa có hệ số phát thải thấp, chỉ 18 kg CH4/con/năm. Các động vật ăn cỏ còn lại như dê, cừu có hệ số phát thải không đáng kể, khoảng 5 kg CH4/ năm. Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê-tan hàng năm từ bò thịt lên tới 245 ngàn tấn, tiếp theo là trâu với 138 ngàn tấn và bò sữa là 19 ngàn tấn/năm.
Theo TS. Nguyễn Thế Hinh, nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi, Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp giảm lượng khí mê-tan sinh ra từ dạ cỏ của trâu bò và từ phân động vật. Ví dụ để giảm lượng phát thải khí CH4 từ dạ cỏ của trâu bò, người ta đã thay thế thức ăn thô xanh bằng thức ăn ủ chua; bánh dinh dưỡng MUB; sử dụng muối nitrate để thay thế urê trong khẩu phần; đưa các hợp chất chứa lipid như dầu, mỡ, acid béo vào thức ăn hoặc chế phẩm dinh dưỡng khác vừa giảm lượng khí mê-tan sinh ra từ dạ cỏ của trâu bò đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho trâu bò.
Với phân động vật, để giảm phát thải khí CH4 và N2O, nhiều nơi đã sử dụng các công trình biogas, dùng khí CH4 vào việc đun nấu, phát điện. Chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ,… Việc bón phân chuồng hợp lý trên đất cũng là cách để giảm N2O, giảm độ acid và độ ẩm của đất.
Diễn đàn cũng lắng nghe nhiều tham luận của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi, có thể kể đến như:
Chính phủ cần đầu tư hỗ trợ nghiên cứu và cung cấp các chế phẩm vừa giúp làm giảm phát sinh khí CH4 từ dạ cỏ trâu bò đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho trâu bò; Cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ trang trại, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi; Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và nông hộ thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để bán và tự sử dụng. Qua đó, khi cải thiện công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển theo hướng tuần hoàn, tái tạo nguồn tài nguyên phục vụ lại quá trình sản xuất của ngành chăn nuôi, giảm phát thải ra môi trường.
Thanh Tùng