Chuyên gia đề xuất giải pháp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng từ nay tới cuối năm

author 07:06 06/09/2021

(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã đề cập hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam từ nay tới cuối năm 2021.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, so với tháng 7/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn. Nguyên nhân tăng nhẹ của CPI tháng 8 là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị tăng; việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng, chống dịch COVID-19 cũng khiến giá cả biến động.

Nếu tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 8 có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước; 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, CPI tăng trong 8 tháng năm nay do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86% khiến CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Giá gạo trong nước cũng tăng theo giá gạo xuất khẩu. Nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm)… Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn giảm 6,49%; giá thịt gà giảm 1,34%.

Trong 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước vẫn được đánh giá đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Tháng 8/2021 cũng là tháng ghi nhận ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch thứ tư cho đến nay, nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (thậm chí 16+), giá cả nhiều mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm tăng cao do người dân tăng tích trữ, trong khi nguồn cung bị hạn chế, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, mặc dù CPI tháng 8 tăng thấp nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít. Ảnh minh họa

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, CPI tháng 8 và bình quân 8 tháng năm 2021 khá thấp. Với CPI tháng 8/2021 chỉ tăng 0,25% so với tháng trước và bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, ông Phú cho rằng một phần nguyên nhân là do việc áp dụng các biện pháp giãn cách khiến người dân hạn chế ra đường, nên mọi hoạt động mua bán hàng hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ bị ngưng trệ, khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ không tăng được.

Ngoài ra, cũng do đại dịch khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nên hai năm qua lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp xã hội không tăng, khiến thu nhập của hàng chục triệu người không được cải thiện, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu, chỉ chi tiêu những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và dành một phần để phòng bất trắc. Cầu giảm khiến giá cả không tăng được. Chính vì vậy, dù CPI tăng thấp, nhưng người tiêu dùng được hưởng lợi rất ít, người sản xuất thậm chí còn bị thua lỗ do đầu vào tăng trong khi đầu ra giảm rất mạnh. Phần lớn lợi nhuận rơi vào khâu trung gian.

"Nếu CPI tăng thấp hoặc âm thì không tốt. Mức tăng của CPI hợp lý nên bằng 70% mức tăng trưởng của GDP. Như vậy nếu GDP năm nay khoảng hơn 6% như mục tiêu nhưng theo tôi khả năng đạt là khó, chỉ khoảng 5,6-5,7% thì CPI ở mức khoảng 4% là hợp lý, còn nếu 2% thì kể cả người sản xuất và người tiêu dùng đều không có lợi", ông Vũ Vinh Phú cho hay.

Cũng theo ông Phú, về phía người sản xuất, nếu giá bán các sản phẩm quá thấp chắc chắn bất lợi cho người sản xuất. Ngược lại với người tiêu dùng, hiện nay khâu phân phối trải qua rất nhiều trung gian cho nên đi từ nơi sản xuất đến nơi bán lẻ đã tăng 2-3 lần. Đặc biệt, trong tháng 8 khi việc giãn cách xã hội tăng cường khiến việc lưu thông hàng hóa càng khó khăn, giá lương thực đã tăng 0,69% so với tháng trước, giá thực phẩm tăng 0,97%, trong đó giá thịt gia cầm, trứng, thủy sản, rau quả tươi,... đều tăng mạnh.
 
Giá thịt lợn mặc dù có giảm so với tháng trước song vẫn đang cao một cách vô lý, đáng ra chỉ khoảng 120 nghìn đồng/kg nhưng hiện nay giá bán tại chợ khoảng 150 nghìn đồng/kg trong khi ở siêu thị bình quân khoảng 200 nghìn đồng/kg. Nếu trừ 10% VAT đi giá thịt ở siêu thị vẫn cao hơn giá chợ khoảng 15%. Vì vậy, nếu muốn cả người tiêu dùng và người sản xuất đều được hưởng lợi thì nên thiết kế lại chuỗi lưu thông hàng hóa theo hướng bỏ bớt các khâu trung gian để hàng hóa sản xuất ra được đem thẳng tới siêu thị, chợ dân sinh.

Về dự báo CPI cả năm 2021, ông Phú cho rằng, nếu không có quá nhiều biến động ở các tháng cuối năm, CPI cả năm 2021 khoảng 3,5-3,6%. Mặc dù dự báo CPI cả năm trong tầm kiểm soát nhưng ông Phú lưu ý không nên chủ quan. Bởi nếu dịch được khống chế, chi tiêu cuối năm sẽ tăng. Thêm vào đó, một số biến động đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu trên thị trường thế giới có thể tăng nên cũng cần cẩn trọng.

Về giải pháp để kiểm soát CPI, ông Phú nhấn mạnh trước hết phải quan tâm đến điều hành các mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá xăng dầu để ổn định đầu vào cho các doanh nghiệp, nên thực hiện dự trữ xăng dầu như nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó là phải tìm cách tự túc các nguyên phụ liệu, nhất là trong ngành dệt may, da giày thông qua việc tìm kiếm từ các thị trường ngách thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ như hiện nay.

Còn đối với hàng tiêu dùng trong nước, ông Phú cho rằng phải ổn định giá thịt lợn, kích thích chăn nuôi trong nước cuối năm để đảm bảo nguồn cung, nếu không thịt tăng giá sẽ ảnh hưởng đến CPI bởi 70% tiêu dùng thịt hiện nay là thịt lợn. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Trong đó, tiêu dùng mặc dù ảnh hưởng của dịch nhưng sức mua không bị ảnh hưởng nhiều, tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng vẫn tăng so với năm ngoái. Ông Phú hy vọng dịch sớm được kiểm soát, sức mua của người dân sẽ tăng trở lại trong những tháng cuối năm.

Ông Phú cũng cho rằng, cần phải giảm các chi phí cho doanh nghiệp như phí cầu đường, phí xét nghiệm, tiền điện, tiền nước... Đồng thời, xem xét điều chỉnh hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp có thể vay vốn đầu vào. Cuối cùng, ông nhấn mạnh "điều hành CPI phải xem trọng, theo sát từng tháng, từng quý, bám sát và điều chỉnh phù hợp, không nên tung những chính sách nhạy cảm như tăng học phí, dịch vụ y tế hay xăng dầu ở những thời điểm không hợp lý".

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang