Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: 'Đã đến lúc phải tăng giá điện'

author 06:36 22/03/2019

(VietQ.vn) - Tại buổi toạ đàm “Điều chỉnh giá điện - nhìn từ nhiều phía" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế đã có những ý kiến xung quanh việc tăng giá điện hơn 8%.

Theo đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tôi thấy đã đến lúc phải tăng giá điện”. Theo ông Lực, tâm lý của người dân và doanh nghiệp không ai muốn câu chuyện tăng giá, bất kỳ giá gì… Tuy nhiên vị chuyên gia này hiểu rằng Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện đã phải cân đối nhiều chiều, về góc độ sản xuất, kinh doanh, kinh tế vĩ mô, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế: Đã đến lúc phải tăng giá điện

 Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. Ảnh Người đưa tin.

Bàn luận về lý do tăng giá điện, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra 2 quan điểm:

Thứ nhất, lý do chính của việc tăng giá điện là tiến dần đến cơ chế thị trường. Nghĩa là giá đầu vào trước đây Nhà nước còn có yếu tố bảo trợ thì bây giờ Chính phủ yêu cầu không bảo trợ giá đầu vào như giá than, giá khí. Đây là hai cấu phần cực kỳ quan trọng trong cấu phần sản xuất điện.

“Trong chi phí điện, tôi đã phân tích và thấy rằng 76% từ chi phí sản xuất điện”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Thứ hai trong 3, 4 năm vừa qua có những khoản nợ đọng hay những khoản tồn đọng thì bây giờ cần phải phân bổ dần dần.

“Chính phủ yêu cầu tiến dần hơn với cơ chế thị trường theo hướng như vậy. Tôi nghĩ rằng đây là điều tích cực. Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng các phương án khác nhau về liều lượng với bao nhiêu phần trăm là phù hợp và đảm bảo”, ông Lực nói.

Thứ ba về thời điểm. Thời điểm năm nay (2019) tương đối phù hợp. Năm nay giá cả trên thế giới, giá xăng dầu, giá than,... về cơ bản gần như không tăng, tạo mặt bằng không quá lớn về áp lực lạm phát với Việt Nam. Thời điểm quý I đầu năm ngành điện có cơ sở để hạch toán kế hoạch kinh doanh cho cả năm. Đối với doanh nghiệp cũng như vậy. Chính vì tăng giá điện vào quý I nên Chính phủ và các bộ, ban, ngành sẽ chủ động hơn để phối hợp giữa chính sách giá cả với điều chỉnh giá cả của mặt hàng khác để đảm bảo tác động không quá lớn đối với kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số lạm phát mà Quốc hội đã giao dưới 4% năm nay cũng như tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ mong muốn mức độ là 6,8%.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá các mặt hàng khác trong năm nay cần phải cân nhắc để đảm bảo không tăng nhiều trong một năm, làm giảm ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế: Đã đến lúc phải tăng giá điện

Giá điện chính thức tăng hơn 8% từ ngày 20/3.

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, giá điện tăng 8,36% trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào ở tất cả các khâu, phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo... tính toán giá điện 2019. "Phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng 8,36%. Mức điều chỉnh này cũng nhận được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ”, ông Tuấn cho biết thêm.

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá tại Quyết định 28/2014. Do cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được điều chỉnh +- 2% so với tỷ lệ được quy định.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN triển khai tổ chức công bố công khai và thực hiện việc điều chỉnh giá điện đến tất cả các hộ sử dụng điện theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, đầu tư hiện đại hóa công nghệ phát triển nguồn và lưới điện, kiểm soát hiệu quả, tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên.

Tổ chức triển khai đầy đủ, đồng bộ và phổ biến cho các đơn vị trực thuộc các nội dung của Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2018. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích tài chính phù hợp với các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện được duyệt, báo cáo Bộ Công Thương xem xét quyết định.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang