Chuyên gia Maybank KimEng VN: Cổ phiếu ngân hàng Việt đang bị định giá thấp

author 10:25 28/11/2019

Chuyên gia của Maybank KimEng VN cho rằng năm 2020 ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng 18-20%.

Ông Quản Trọng Thành - Ảnh: Huyền Trâm.

Chia sẻ với BizLIVE khi đề cập tới tác động của Thông tư 22 của NHNN, ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích khối Khách hàng tổ chức, Maybank KimEng VN nhận định với thông tư này NHNN tập trung vào tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mục đích muốn giảm tỷ lệ về 30%.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Thông tư chính thức có điểm đáng chú ý là lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn huy động ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn. Cụ thể, từ 1/1/2020 - 30/9/2020 là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và từ 1/10/2022 mới còn là 30%. Như vậy, việc điều chỉnh này “dễ chịu” hơn so với dự thảo trước đó, tức có 2 năm để các ngân hàng điều chỉnh, thích nghi.

Ông Thành nêu, trước đó các ngân hàng đã biết việc này, đã điều chỉnh dần dần, giảm tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung và dài xuống dưới 40%. Các nhà băng theo đó tiến hành cơ cấu lại nguồn vốn, huy động vốn dài hạn nhiều hơn.

“Tôi nghĩ không ảnh hưởng nhiều tới biến động hoạt động ngân hàng, tới biến động giá cổ phiếu ngân hàng như nhiều nhận định lo ngại. Với Thông tư 22, tôi nhìn thấy yếu tố lợi thế với khối ngân hàng thương mại tư nhân”, chuyên gia Maybank KimEng VN đánh giá.

Cụ thể, ông Thành cho biết đó là tổng dư nợ tín dụng/tổng vốn huy động (chỉ số LDR) áp với ngân hàng thương mại nhà nước là 90%, đối với ngân hàng cổ phần tư nhân là 80%. Nhưng 2 năm tới sẽ áp mức chung là 85%. Như vậy khối ngân hàng thương mại tư nhân được hưởng lợi rất nhiều. Chẳng hạn, trước đây ngân hàng tư nhân huy động 100 đồng vốn được phép cho vay ra 80 đồng, nhưng sắp tới được cho vay 85 đồng. Có nghĩa là khối tư được nâng tỷ lệ LDR lên, sẽ có thêm nguồn vốn cho vay, một số ngân hàng không phải áp lực huy động vốn quá quyết liệt.

Với ngân hàng cổ phần nhà nước tác động ra sao? Ví dụ với VCB, ông Thành đánh giá khả năng huy động vốn của ngân hàng rất mạnh, tỷ lệ LDR hiện đã dưới 85%, hoàn toàn có khả năng thực hiện quy định này.

Nhận định về việc điều chỉnh giảm trần lãi suất của NHNN, chuyên gia này nêu, cùng với động thái giảm lãi suất trước đó (25 điểm % vào tháng 9), mức trần lãi suất thấp hơn nhằm mục đích khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Với mức độ cắt giảm lãi suất (cả lãi suất tiền gửi và cho vay), ông tin rằng tác động tới chi phí vốn, biên lợi nhuận của ngân hàng là thấp

Đánh giá chung, ông Thành nêu, trong vòng một năm tới những quy định đưa ra vẫn hỗ trợ ngành ngân hàng phát triển, tăng trưởng tín dụng ngành sẽ duy trì mức 13 - 14%, những ngân hàng tốt có thể được nâng thêm.

“Việc siết margin, điều chỉnh lãi suất như hiện tại không ảnh hưởng nhiều, margin sẽ tiếp tục mở rộng nếu các ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ. Chất lượng tài sản được nâng lên, các ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng quá lớn trong năm sau dù diễn biến nợ xấu nhích lên chút, nhưng chưa đến một chu kỳ xấu, thậm chí đối với một số ngân hàng đẩy mạnh, xóa trích lập dự phòng cho VAMC năm sau sẽ nhẹ gánh”, ông Thành nhận định.

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang