Chuyên gia Mỹ chỉ ra tác dụng của tỏi đối với sức khỏe não, tim và gan

author 22:11 17/12/2024

(VietQ.vn) - Tỏi là một loại gia vị quen thuộc trong chế biến thực phẩm vì sở hữu nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe não, tim, gan. Tuy nhiên khi ăn tỏi cũng nên lưu ý để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Bà Jillian Kubala, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ đã chia sẻ, tỏi không chỉ là gia vị quen thuộc mà còn là một vị thuốc tự nhiên với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu thường xuyên tiêu thụ tỏi có thể có lợi cho sức khỏe của não, tim và gan, đồng thời có thể giúp điều chỉnh chứng viêm và hỗ trợ chức năng miễn dịch.

Giàu hợp chất chống viêm và chống oxy hóa

Tỏi từ lâu đã được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Viêm mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư và tim mạch. Tỏi chứa các hợp chất organo-lưu huỳnh có tác dụng chống viêm. Thành phần và hàm lượng các hợp chất này thay đổi tùy theo cách chế biến tỏi. Ví dụ, tỏi tươi giàu alliin và γ-glutamyl cysteine, trong khi bột tỏi chứa diallyl disulfide (DADS) và alliin. Tỏi xay lại chứa nhiều dithine, các hợp chất ajoene và sulfide. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn tỏi giúp giảm các dấu hiệu viêm trong cơ thể, góp phần bảo vệ sức khỏe.

Ăn tỏi thường xuyên có thể giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe của não bộ, tim, gan. Ảnh minh họa

Giúp tăng cường nhận thức

Ăn tỏi thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Một nghiên cứu trên 27.000 người cao tuổi Trung Quốc vào năm 2019 còn phát hiện ra những người ăn tỏi 5 lần/tuần trở lên ít bị suy giảm nhận thức và sống lâu hơn. Bí quyết nằm ở các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm trong tỏi, giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim là xơ vữa động mạch, tình trạng mảng bám tích tụ trong động mạch. Ăn tỏi có thể giúp giảm nguy cơ này. Nghiên cứu trên hơn 4.000 người Trung Quốc vào năm 2021 cho thấy những người ăn tỏi sống 1-3 lần mỗi tuần giảm đáng kể nguy cơ dày lớp nội trung mạc động mạch cảnh, một dấu hiệu sớm của xơ vữa động mạch. Cụ thể, nguy cơ này giảm từ 26% đến 29% so với những người ăn tỏi ít hơn 1 lần mỗi tuần.

Hỗ trợ chức năng miễn dịch

Tỏi chứa các hợp chất mạnh mẽ có khả năng kháng virus, kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm. Những hợp chất này, như allicin và diallyl sulfide, giúp ức chế các protein gây viêm và tăng cường hoạt động của tế bào miễn dịch, từ đó củng cố hệ thống phòng thủ của cơ thể. Tỏi cũng cho thấy hiệu quả trong việc chống lại các mầm bệnh gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường và một số loại cúm.

Tốt cho gan

Tỏi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe gan, đặc biệt là trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Theo nhiều nghiên cứu, nam giới ăn tỏi sống 4-6 lần mỗi tuần có thể giảm đến 34% nguy cơ mắc bệnh này. Tuy nhiên, tác dụng này chưa được ghi nhận ở nữ giới. Ngoài ra, việc bổ sung bột tỏi cũng giúp cải thiện các chỉ số men gan quan trọng như ALT và AST ở người bệnh NAFLD.

Lưu ý khi ăn tỏi để tốt cho sức khỏe

Mặc dù tỏi tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều tỏi có thể gây hại cho người có nguy cơ chảy máu hoặc rối loạn đông máu. Người dị ứng với hành tỏi (như tỏi tây, hẹ) cũng nên tránh. Ăn nhiều tỏi có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, hôi miệng và mùi cơ thể. Đặc biệt, không nên bôi trực tiếp tỏi sống lên da vì có thể gây bỏng và viêm da.

Nên băm nhuyễn tỏi, để trong không khí khoảng 10 - 15 phút mới ăn. Nguyên nhân là vì trong tỏi không có allicin tự do. Chỉ sau khi băm nhuyễn, dưới tác dụng của enzyme thì tỏi mới phóng thích ra allicin. Nếu tỏi chưa băm nhuyễn đem đi nấu thì enzyme sẽ mất tác dụng, không phóng thích ra allicin. Nếu nấu ăn với tỏi băm nhuyễn, hàm lượng allicin được giữ lại là 60%. Vì vậy, nếu muốn thu được hiệu quả bảo vệ thì người dùng nên ăn tỏi băm nhuyễn.

Không nên ăn tỏi lúc đói vì tỏi có tính phân hủy và tính kích thích mạnh với niêm mạc dạ dày - ruột. Nếu ăn quá nhiều tỏi một lần hoặc ăn tỏi lúc bụng đói thì sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa, nhất là với người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.

Người có bệnh liên quan tới mắt, thị lực yếu không nên ăn nhiều tỏi vì tỏi có thể kích thích mắt, dễ gây viêm bầu mắt, viêm kết mạc mắt. Không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy vì allicin trong tỏi sẽ kích thích thành ruột, dẫn tới phù nề, nghẽn mạch máu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Không ăn tỏi cùng các thực phẩm như thịt chó, thịt gà, trứng, cá trắm. Người có tiền sử mắc các bệnh về gan không nên ăn tỏi vì tỏi có tính nóng, vị cay, làm nóng gan, lâu dài sẽ gây tổn thương cho gan. Người đang sử dụng một số loại thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc chống đông máu,... không nên ăn tỏi vì sẽ gây ra các tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Người thể trạng suy yếu không nên ăn nhiều tỏi vì ăn tỏi quá nhiều làm tiêu tan khí huyết, loãng khí, hao máu, sinh đờm, phát nhiệt.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9678:2013- ISO 5567:1982 về tỏi khô xác định hợp chất lưu huỳnh hữu cơ dễ bay hơi

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này đưa ra phương pháp xác định các hợp chất hưu huỳnh dễ bay hơi trong tỏi khô. Về nguyên tắc sau khi ngâm chiết phần mẫu thử trong nước, thêm etanol rồi chưng cất các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ dễ bay hơi và chuẩn độ dịch chưng cất trong môi trường axit nitric bằng phương pháp chuẩn độ bạc.

Chỉ sử dụng các thuốc thử đạt chất lượng phân tích. Nước sử dụng phải là nước cất hoặc nước có độ tinh khiết tương đương. Chênh lệch giữa các kết quả của hai lần xác định tiến hành đồng thời hoặc liên tiếp, do cùng một người phân tích không được vượt quá 5% giá trị trung bình.

Báo cáo thử nghiệm phải chỉ ra phương pháp thử đã sử dụng và kết quả thu được. Báo cáo thử nghiệm cũng phải đề cập mọi chi tiết thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này hoặc tùy chọn cũng như sự cố bất kỳ có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang