Chuyên gia nói gì về nhận định năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,7%

author 10:35 27/05/2021

(VietQ.vn) - Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 4 vừa qua, năm 2021 dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,7% và đến tháng 4/2022 là 7%. Tuy nhiên đợt dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp đang trở ngại tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá về vấn đề này.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dự báo trên được đưa ra trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, cho nên những con số dự báo đó rất khó đạt được kỳ vọng, quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ khó khăn hơn.

Riêng đối với kinh tế Việt Nam, ông Lộc nhận định: Chúng ta đã rất thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép trong năm 2020. Nhưng giờ bối cảnh sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó dư địa của chính sách tài khoá tiền tệ của chúng ta bị thu hẹp lại sau một thời gian tích luỹ nhưng nguồn lực đã phải dùng cho chống chịu, ứng phó với COVID-19. Các doanh nghiệp của chúng ta đã chống chịu hết sức kiên cường từ năm 2020, nhưng phải nói rằng khả năng chống chịu vẫn còn yếu.

"Chúng ta đang ở trong bối cảnh duy trì nền kinh tế với nhiều thách thức mới. Quan điểm thực hiện một cách chủ động, tích cực, ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân là vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế, trong ứng phó với dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị có khả năng chống chịu tốt hơn", ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Lộc, tinh thần của giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực nhưng phải tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung an toàn với dịch. Việc chủ động tấn công, đảm bảo hài hoà giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết và không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ thông tin trong một buổi tọa đàm vừa diễn ra.

Ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV cho rằng, với chỉ tiêu 6,7% tăng trưởng mà Ngân hàng Thế giới dự báo đối với Việt Nam dựa trên tính toán ở trạng thái tĩnh, còn chúng ta lại đang bàn ở trạng thái động. Nói đến động lực, yếu tố cấu thành tăng trưởng, cần tính tới 5 yếu tố: Một là vốn (tài lực, vật lực), hai là thể chế, ba là công nghệ, bốn là nhân lực, năm là văn hóa. Yếu tố tăng trưởng tác động đến biểu đồ lên xuống của nền kinh tế tùy thuộc vào cách sử dụng các công cụ, yếu tố này.

Ông Vân nhận định, thế giới ngày nay không coi trọng yếu tố vốn là quyết định mà nhấn mạnh yếu tố công nghệ, ở đâu có công nghệ đi đầu thì ở đó có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế.

"Ai là người sử dụng công nghệ? Đó vẫn là con người. Theo tôi, tác động đến tăng trưởng là phải kích hoạt đồng bộ cả 5 yếu tố, nhưng hai yếu tố quan trọng nhất là con người và công nghệ. Câu chuyện liên quan đến tăng trưởng của Việt Nam đang đặt ở thế động. Đó là có sự tác động của COVID-19, không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn đến kinh tế Việt Nam. Chúng ta dự báo thế nào?

Theo tôi, phải xem xét khả năng kiểm soát dịch bệnh của chúng ta. Kết quả đạt được trong phòng chống dịch năm 2020 là rất đáng ghi nhận. Về bối cảnh COVID-19, nếu chúng ta kiểm soát được COVID-19, mục tiêu tăng trưởng 6,7% tất nhiên là xa nhưng không có nghĩa là chúng ta không với tới", ông Vân nói.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang