Chuyên gia Võ Trí Thành: Ngân hàng Nhà nước 'bơm hút' tiền rất đúng, chuẩn

author 06:51 09/05/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia tài chính ngân hàng Võ Trí Thành cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang 'thông minh' lên với những chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp.

Điểm sáng trong điều hành của NHNN

Đánh giá về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2018 và định hướng những tháng cuối 2019, ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018 là ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng, lãi suất tỉ giá ổn định (trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước).

Trong đó, điểm sáng nhất của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, “bơm hút” tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn. Điểm đặc biệt 2018 là NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỉ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường.

Cũng theo ông Thành, từ năm 2012 tới nay, NHNN có 3 nhiệm vụ cơ bản là phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định thúc đẩy tăng trưởng; xử lý nợ xấu; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo thông lệ tốt nhất. Trong đó, khó khăn nhất là việc lành mạnh hoá ngân hàng và đáp ứng thông lệ tốt nhất.

“Thực tế, có thời điểm áp lực lớn như tháng 5/2018, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, tỷ giá các nước mất giá, lãi suất các nước trong khu vực tăng. Nhưng cũng có may mắn, Fed không tăng lãi suất như chúng ta nghĩ, tăng trưởng thuương mại kinh tế toàn cầu vẫn tốt. Bên cạnh đó, Trung Quốc không chơi trò chơi tỷ giá để ứng xử với cuộc chiến Mỹ - Trung, điều này được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận”, ông Thành cho hay.

Những thách thức đang chờ đợi

Mặc dù có nhiều điểm sáng, nhiều hoạt động tốt nhưng theo Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, trước mắt NHNN vẫn còn thách thức, vẫn có những tình huống xấu nhất có thể phải đối mặt trong vài năm tới.

Ông Võ Trí Thành nêu rõ, một là trường hợp mặc dù cầu tín dụng giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn tốt hơn. NHNN đã định hướng trò chơi thị trường vào những lĩnh vực ưu tiên, có giá trị gia tăng tốt hơn, do đó giảm cầu tín dụng nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng. Tín dụng trong nhiều năm tăng trưởng rất mạnh, trừ năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn phải nghiên cứu kỹ hơn.

Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Hán Hiển

Hai là, FDI dựa không nhiều vào tín dụng trong nước, mà nền kinh tế Việt Nam bị dẫn dắt bởi FDI đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu, chế biến chế tạo. “Vậy FDI dựa vào hệ thống tín dụng tới đâu? 3 nhiệm vụ của NHNN như trên vẫn là thách thức lớn của NHNN trong thời gian tới, đây là điều không thể né tránh”, TS Thành nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đã đến lúc phải thực sự nhìn nhận một số vấn đề gây khó cho NHNN trong đó việc lãi suất khó giảm thêm. “Có nhiều câu chuyện từ bên ngoài, phụ thuộc điều hành của Fed. Nhưng 3 điều chúng ta đang làm, nếu cứ loay hoay sẽ dẫn tới 2 chuyện là lãi suất rất khó giảm; hơn nữa hiệu quả hệ thống tài chính nhìn về trung và dài hạn bị ảnh hưởng. Chính sách tiền tệ, mục tiêu trung gian quá nhiều.

Cũng theo ông Thành, Việt Nam có vẻ còn hơi chậm đối với Fintech và kinh tế số: “Fintech không chỉ đơn thuần là sáng tạo khởi nghiệp. Có hai điều rất quan trọng là câu chuyện cạnh tranh phát triển hệ thống ngân hàng. Việt Nam đang rất muốn làm là câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn chưa có nhiều khởi sắc, trong khi Ấn Độ thực hiện vấn đề này rất nhanh, hệ thống thanh toán cực kỳ phát triển. Điều này cũng là công cụ chống tín dụng đen, đảm bảo cam kết của Việt Nam với APEC, là tài chính toàn diện, người dân có quyền tiếp cận dịch vụ tài chính với giá phải chăng nhất.”

Cuối cùng, ông Võ Trí Thành đề cập tới vấn đề truyền thông khủng hoảng, xử lý tranh chấp và cho rằng, vấn đề sẽ ngày càng bùng phát, chưa kể tranh chấp gắn với hệ thống NH trong và ngoài nước. Do đó ngành NH cần phải học cách ứng xử và truyền thông với tranh chấp. NHNN phải sưu tầm án lệ trên thế giới để nghiên cứu.

“NHNN đang thông minh lên và thông minh nhất. Ba điều NHNN cần làm là tăng sự chủ động; ổn định kỳ vọng; kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ trơn tru, linh hoạt, khéo léo để ứng xử.

Về tỷ giá, năm nay áp lực tỉ giá vẫn lớn, có vẻ có xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ chưa tới hồi kết, địa chính trị như Venezuela, Iran, Trump - Kim... Kinh tế thế giới có thể giảm tốc nhưng giá dầu vẫn tăng, đây là nghịch lý.

Bên cạnh đó, có những yếu tố tích cực như dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào VN khá tích cực. Nhìn tổng thể, lạm phát khoảng 4%; cách ứng xử của NHNN linh hoạt trong sử dụng công cụ và cách điều hành tỉ giá trung tâm và những yếu tố tích cực. Tôi tin rằng, tỉ giá năm nay chỉ biến động, có thể có một số thời điểm khác nhưng chỉ khoảng 2%. Năm ngoái tôi đã đúng, mọi người nói 3%-5% nhưng tôi nói chỉ 2% và tôi đã đúng”, ông Võ Trí Thành kết luận.

Hán Hiển

Phó Thống đốc NHNN: Năm 2019 sẽ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%(VietQ.vn) - Năm 2019, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang