Tham gia hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới: Cơ hội, thách thức cho nông sản Việt

author 07:08 03/01/2022

(VietQ.vn) - Việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam, vốn là mặt hàng chủ lực và có nhiều lợi thế.

 Nông sản Việt sẽ tận dụng được những lợi thế khi tham gia RCEP

Nhiều lợi thế được phát huy

Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. 

Đặc biệt, RCEP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, một lĩnh vực Việt Nam đang có lợi thế.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT), lợi thế lớn nhất là đơn giản hoá thủ tục hải quan, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các nước ASEAN và 5 nước tham gia Hiệp định RCEP là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand.

Lợi thế nữa là các nước tham gia RCEP gần như bao trùm chuỗi liên kết tạo ra sản phẩm nông sản từ nguyên liệu đầu vào, phân bón, canh tác, sơ chế, chế biến… đến xuất khẩu trong khối RCEP.

Có thể thấy, trong số các nước tham gia RCEP, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 8,47 tỷ USD năm 2021, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 26,9% tổng lượng hàng nông sản xuất khẩu ra thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản cũng tăng tốc nhập khẩu nông sản của Việt Nam với giá trị kim ngạch nhập khẩu năm 2021 đạt trên 3 tỷ USD (chiếm 6,9%). Đứng thứ 4 trong số thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,9 tỉ USD (chiếm 4,4%)…

Những năm qua, Nhật Bản đã và đang mở cửa cho nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó vải thiều Lục Ngạn và mới đây là thanh long Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand, người tiêu dùng khu vực RCEP không quá khó tính, trong khi nhu cầu của nhóm này đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh lại tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

 Nông sản Việt vẫn còn nhiều thách thức trong việc tìm chỗ đứng vững chắc.

Trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều quốc gia trong khối có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia… đều coi trọng các thị trường nội khối ASEAN.

Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường ASEAN rất nhiều chủng loại hàng nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả, thủy sản…). Hiện, ASEAN là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam, trong đó, Thái Lan là nước trong khối nhập khẩu nhiều rau quả Việt Nam nhất.

Tiềm năng nhưng nhiều thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia, RCEP được kỳ vọng sẽ mở ra thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng thế mạnh, nhất là nông sản nhiệt đới và thực phẩm chế biến. 

Tuy nhiên, việc tham gia RCEP cũng khiến áp lực cạnh tranh của nông sản Việt trở nên căng thẳng hơn khi nhiều đối tác trong RCEP như Thái Lan, Trung Quốc, các nước ASEAN… có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản tương tự và đây chính là thách thức bởi chúng ta đang thua kém năng lực cạnh tranh mạnh hơn, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group nhấn mạnh: Trong Hiệp định RCEP, chúng ta có rất nhiều đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan và các nước ASEAN khác có cùng mặt hàng. Ở những nước đó, nền tảng nông nghiệp họ đã đi trước Việt Nam khá lâu. Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh nhằm tận dụng tốt cơ hội trong RCEP để xuất khẩu, chúng ta phải đẩy mạnh việc xây dựng nền tảng nông nghiệp vững chắc.

“Nông dân muốn bán được hàng thì phải sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được thì phải hỗ trợ, liên kết nông dân thành chuỗi giá trị ổn định, nông sản phải được chế biến sâu và vấn đề thương hiệu phải được chú trọng giải quyết” – ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác. Cụ thể, RCEP có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. 

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, RCEP sẽ tạo thành thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, quy mô GDP lên tới 26.200 tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Như vậy, RCEP dự kiến giúp tạo lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang