Cơ sở chế biến thực phẩm chưa kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào

author 13:41 03/06/2024

(VietQ.vn) - Bộ Y tế cho biết, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vẫn có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi là một trong các nguyên nhân thực phẩm không an toàn gây ngộ độc.

Phát hiện cơ sở mua thực phẩm trôi nổi về để đóng mác thực phẩm an toàn

Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm khiến trên 2.100 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 10%, số tử vong giảm 46% nhưng gia tăng các vụ ngộ độc lớn, với hàng trăm người mắc.

Liên quan công tác an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế cứu chữa các bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong; đồng thời chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó là truy xuất đến cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm để tìm nguyên nhân gây ngộ độc. 

Đáng lưu ý, sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vẫn có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi.

Theo đánh giá của một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại các địa phương, chính quyền cơ sở, cơ quan trực tiếp quản lý về an toàn thực phẩm cần giám sát chặt chẽ các cơ sở trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Ví dụ như vụ ngộ độc thực phẩm mới ghi nhận trong tháng 5 khiến hàng trăm công nhân nhập viện, chúng tôi phát hiện cơ sở đó đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng họ mua thực phẩm trôi nổi về để đóng mác thực phẩm an toàn", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thông tin.

 Cần giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cung cấp thực phẩm để đảm bảo an toàn, tránh ngộ độc. Ảnh minh họa

Theo vị lãnh đạo này, cả nước có tới hơn 9 triệu hộ nông dân trồng rau nuôi gà, cung cấp nhỏ lẻ nên khó thay đổi ngay về an toàn thực phẩm liên quan nguồn cung, nhưng thực tế này cũng cho thấy cần phải chú trọng vấn đề quy hoạch, mở rộng vùng Vietgap (khu vực thực hiện tốt các quy định về sản xuất nông nghiệp).

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương cần giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; chế biến, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, không chấp nhận tình trạng xin cấp phép, thẩm định thì đạt quy định nhưng thực tế lại không tuân thủ nghiêm.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng nêu thực trạng, trong hầu hết vụ ngộ độc phát hiện gần đây, nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm vi sinh vật, nhưng vẫn còn tình trạng chưa xác định đầy đủ các nguyên nhân, do không lấy được mẫu thực phẩm. Thực tế đó cho thấy các cơ sở chế biến, kinh doanh không tuân thủ quy định lưu mẫu, chưa kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào.

"Mua sản phẩm trôi nổi rồi đóng nhãn Vietgap là các vi phạm từng xảy ra rồi, chứ không phải mới đây", một đại diện của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết thêm.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 345 vụ liên quan an toàn thực phẩm, phạt trên 6 tỉ đồng. Trong đó, phát hiện hàng tấn thịt lợn, mỡ lợn, chân vịt đông lạnh không rõ nguồn gốc. Mức phạt này chưa phản ánh hết hiện trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong thực tế.

Những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm

Tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm bao gồm: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sản xuất, kinh doanh: Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Thực phẩm bị biến chất; Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; Thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm; Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; Thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh;

Thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy; Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm.

Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.  Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang