Coi chừng nhận nhiều tác hại khi mua thuốc trên mạng xã hội những ngày giãn cách

author 06:34 10/08/2021

(VietQ.vn) - Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hiện nay khá nhiều người mua thuốc trên mạng chỉ nhờ vào quảng cáo, điều này vô cùng nguy hiểm.

Thời gian gần đây, những quảng cáo về các loại thuốc gắn mác “gia truyền” xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo... Điều đáng nói là, nhiều người dù không có bất cứ bằng cấp, chứng chỉ nào liên quan đến ngành dược, nhưng vẫn ngang nhiên kinh doanh thuốc và không ngừng tìm kiếm, mở rộng mạng lưới theo hình thức đa cấp.

Đặc biệt, dù trước đó theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật dược 2016 đã quy định cụ thể, người bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc gia truyền phải có bằng cấp, chứng nhận chuyên môn phù hợp. Địa điểm bán phải cố định, riêng biệt và có khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn. Thế nhưng, nhiều loại dược liệu, thuốc đông y, thuốc tây y, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ lại đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với những lời quảng cáo nghe rất “bùi tai”.

Thậm chí có nhiều trường hợp, dù quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội về các loại thuốc liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dùng, nhưng chính bản thân người bán lại không hề có kiến thức về dược, không cung cấp được bằng cấp, chứng nhận chuyên môn phù hợp. Nhiều người còn cho rằng, thuốc là một mặt hàng kinh doanh, mua bán tương tự thực phẩm, trang phục... nên đã tích cực tuyển thêm đại lý, cộng tác viên bán hàng theo hình thức đa cấp để phát triển mạng lưới, tăng thêm thu nhập gây ra không ít nguy hiểm cho người tiêu dùng nếu mù quáng tin tưởng.

Cần tránh tin tưởng mua thuốc trên mạng xã hội. Ảnh minh họa 

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, mới đây, ông T.B.H. ở TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) nhận được liệu trình 4 hộp viên sủi nhãn hiệu B. mà theo giới thiệu là sản xuất trong nước theo công nghệ Đức.

Ông H. cho biết ông thấy quảng cáo sản phẩm này rất nhiều trên mạng xã hội và tivi, cả diễn viên quảng cáo nên tin và mua dùng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày dùng thuốc này (cắt tất cả các thuốc đang uống trước đó), ông H. có hiện tượng cứng các khớp, không tự đứng và đi được.

Theo thông tin từ gia đình ông H., ông mua liệu trình 3 hộp viên sủi hiệu B. kể trên và được tặng thêm 1 hộp, giá theo quảng cáo là đang "khuyến mãi" nên giảm còn 750.000 đồng/hộp. Ông mua thuốc này vì sau đợt phẫu thuật đầu năm 2020 chân ông có yếu hơn trước, phải sử dụng xe hỗ trợ khi di chuyển, tuy nhiên do dùng thuốc bác sĩ kê đều kèm theo tập vật lý trị liệu nên gần đây ông đi lại khá hơn, có thể sớm bỏ được xe hỗ trợ.

"Tôi bắt đầu uống ngày 2 lần 2 viên sủi và 4 viên con nhộng được tặng thêm từ 7-7, đến 9-7 khi đang tắm thì bất chợt bị ngã, các khớp cứng lại, từ đó đến nay không đứng được nữa, không đi được, phải di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn" - ông H. thông tin.

Người nhà ông H. cho biết thêm, sau khi thấy ông có các phản ứng xấu như trên đã liên lạc với nhà sản xuất và phân phối loại được gọi là "thuốc" mà ông đã mua. Ngay sau đó đã có 3 người liên lạc, tất cả đều nói chung chung là hiện sản phẩm B. này đang có hàng giả, sẽ báo cáo giám đốc, nhưng không có trả lời thỏa đáng cho gia đình. "Gia đình chúng tôi rất bất bình" - vợ ông H. cho biết.

Theo thông tin từ gia đình một bệnh nhân ở Hà Nội, gần đây ông có mua loại thuốc quảng cáo trên mạng, tên bác sĩ nghiên cứu ra thuốc trên quảng cáo là bác sĩ nổi tiếng ở Bệnh viện 108, nhưng khi nhận được thuốc thì, nhìn theo dấu bưu điện, thuốc được gửi từ Tuyên Quang và người sản xuất ra thuốc này lại ở… Điện Biên. Bác sĩ Bệnh viện 108 xuất hiện trên quảng cáo là bị mạo danh.

Nói tới sản phẩm B. mà ông H. đã mua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sản phẩm viên sủi B. kể trên đăng ký quảng cáo tại cục là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Về tác dụng, sản phẩm chỉ có tác dụng "hỗ trợ khớp xương chắc khỏe, vận động linh hoạt, hỗ trợ giảm triệu chứng sưng, đau, giảm nguy cơ thoái hóa khớp. Nhưng trên thực tế, sản phẩm này được quảng cáo trên mạng có tác dụng "đẩy lùi các bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, tái tạo màng sụn khớp, tăng tiết dịch khớp, hoàn toàn không có tác dụng phụ…".

Nhờ quảng cáo dày đặc như thế nên người bệnh, đặc biệt là người lớn tuổi, đặt mua khá nhiều. Trên một trong số trang web quảng cáo sản phẩm có tên và clip nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo cho sản phẩm này, nhưng khi chúng tôi click vào clip để xem thực tế thì đều không mở được.

Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết khi nhận được khiếu nại về các quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức trên các trang mạng xã hội, cục đã tìm đơn vị phát hành quảng cáo để xử phạt. Nhiều trường hợp không tìm được đơn vị phát hành.

"Những trường hợp không tìm được, chúng tôi đều chuyển sang Bộ Thông tin và truyền thông để đề nghị hỗ trợ, nhưng tỉ lệ Bộ Thông tin và truyền thông tìm được cũng rất thấp, khoảng vài phần trăm, do họ đặt máy chủ ở nước ngoài hoặc dùng chiêu trò để quảng cáo" - bà Nga cho biết.

Có những trường hợp cơ quan chức năng phải gửi thông báo đến Facebook hoặc các đơn vị đăng, phát quảng cáo khác, nhưng có khi phải gửi tới 2-3 lần quảng cáo mới được gỡ, và trong thời gian đó đã có hàng trăm hàng ngàn người mua "thuốc", dẫn đến tiền mất tật mang.

Ngày 14/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, hình thức xử phạt hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng theo quy định tại Khoản 7, buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc theo quy định tại Khoản 8 điều này.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về hình thức xử phạt hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang