Công nghệ giúp giảm nỗi lo khi đi du lịch trong thời kỳ COVID-19

author 12:11 23/02/2022

(VietQ.vn) - Theo khảo sát của nền tảng du lịch Booking.com, có tới 82% khách du lịch Việt Nam đồng ý rằng công nghệ giúp giảm nỗi lo khi đi du lịch.

Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19

Trong các ngành kinh tế, du lịch được coi là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu khiến nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa, việc đi lại bị thu hẹp. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3/2020. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020. Từ quý II/2021, nước ta chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 88,2 nghìn lượt người và giảm ở tất cả các loại hình vận tải. Nhu cầu du lịch trong nước xét tổng thể giảm vì thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, mặt khác, do tâm lý lo ngại dịch bệnh và sự sụt giảm thu nhập của người dân.

Khách du lịch nội địa năm 2020 giảm 34,1% (đạt 56 triệu lượt), tổng thu đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 30,5 triệu lượt, tổng thu ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa giảm mạnh như Hà Nội giảm 44,3%, TP.HCM giảm 53,6%, Quảng Ninh giảm 36,6%... Một số địa phương có khởi sắc đón khách nội địa trong quý I/2021, nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến khách hủy phòng, hủy tour hàng loạt gây thiệt hại rất lớn cho cơ sở kinh doanh lưu trú và doanh nghiệp lữ hành.

Trong năm 2020, 90% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Hiện nay chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc với phần lớn doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác để kiếm sống, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam cần ít nhất 5 năm để phục hồi.

Ảnh minh hoạ

Công nghệ là chìa khoá cho sự phục hồi?

Mới đây, nền tảng du lịch Booking.com đã công bố khảo sát dự đoán du lịch năm 2022 về cách du lịch sẽ được định hình lại vào năm 2022 và mức độ phụ thuộc vào công nghệ sẽ tăng ra sao khi khách du lịch lên kế hoạch cho các chuyến đi sắp tới. Theo đó, công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc linh động thay đổi kế hoạch với nhiều lựa chọn hơn để đặt chỗ ngay trong chuyến đi và tự do điều chỉnh kế hoạch và đi theo tiếng gọi của sự phiêu lưu.

70% khách du lịch Việt Nam đang tìm kiếm những cải tiến công nghệ mới nhất nhằm gợi ý những "từ khoá" hay những cơ hội bất ngờ dựa trên sở thích hoặc ngân sách trước đây của họ, giúp du khách có một trải nghiệm hoàn toàn mới và nắm bắt được mọi cơ hội dịch chuyển tiềm năng. Tỷ lệ đặt phòng vào phút chót đã tăng nhanh hơn 40 lần trong giai đoạn 2019 - 2021 so với giữa 2018 - 2019.

Vào năm 2021, khách du lịch dịp hè ưu tiên khả năng thay đổi quyết định phút chót khi đặt phòng với 90% lượt đặt phòng bao gồm các lựa chọn linh động. Điều này được dự đoán sẽ tiếp tục là sự ưu tiên hàng đầu của khách du lịch đối với các chuyến đi trong năm 2022 và xa hơn.

Việc giữ tâm lý tích cực sẽ giúp mở ra cánh cửa rộng lớn hơn bao giờ hết cho du khách, dẫn họ tới những lựa chọn mới mẻ hơn cho kỳ nghỉ cùng bạn đồng hành. Khi nhắc tới bạn đồng hành trong du lịch, họ cũng sẽ tìm kiếm những người sẵn sàng "Say Yes", với gần 1/3 (tương đương 31%) du khách Việt Nam mong muốn đi du lịch với những người sẵn sàng đồng ý và vui vẻ đi cùng.

Từ các ứng dụng dịch thuật tức thời được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) giúp khách du lịch dễ dàng thương lượng trực tiếp về những thay đổi vào phút chót với các chủ nhà không nói cùng ngôn ngữ, tới các mô hình máy móc giúp tự động thông báo cho chủ nhà về việc khách đến muộn do chuyến bay bị hoãn, công nghệ sẽ tiếp tục xoa dịu sự cố không lường trước được trong chuyến đi với sự linh hoạt và chủ động ngày càng tăng.

Do đó, các công nghệ dự đoán được kỳ vọng vào việc áp dụng rộng rãi hơn nữa để khách du lịch có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn. 79% du khách Việt Nam quan tâm đến một dịch vụ sáng tạo có thể dự đoán trước nhiều tháng về quốc gia nào sẽ an toàn để đi du lịch, hoặc tự động đề xuất các địa điểm du lịch dễ dàng dựa trên yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 hiện tại của địa phương và quốc gia đó (82%).

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang