Công nghiệp chế biến chế tạo - ngành xương sống của nền kinh tế
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữa bối cảnh Covid-19
Theo số liệu do Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/7/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Về lĩnh vực đầu tư, 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Hiện, đây cũng là ngành có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, sự đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng, chủ yếu bằng sức lao động trong khi hàm lượng chất xám không nhiều.
“Đặc thù của ngành công nghiệp này yêu cầu tập trung vốn và công nghệ, nhưng đây lại là hai điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, do quy mô vừa và nhỏ cùng hạn chế về nguồn lực. Điều đó khiến năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế”, bà Hương nhận định.
Bên cạnh đó, bà Thúy Hương cho rằng, đối với doanh nghiệp nói chung, khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) các dòng thuế sẽ giảm về mức 0-5%. Tuy nhiên, với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhất là doanh nghiệp điện tử, việc hưởng mức thuế suất này đã có trước khi Việt Nam tham gia FTA nên tác động không lớn khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Có thể nói, cơ hội phát triển công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới là rất lớn, thế nhưng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, việc nắm bắt được cơ hội hay không vẫn phụ thuộc năng lực của doanh nghiệp và cơ chế chính sách.
“Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đây là ngành khắc nghiệt, đòi hỏi trình độ kiến thức cao, trong khi thu nhập chưa chắc đã hấp dẫn so với các lĩnh vực khác. Về tài chính, các doanh nghiệp cần ngay chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng cũng như nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước cũng như các thiết chế tài chính khác”, bà Hương đề xuất.
Ngoài ra, theo bà Thúy Hương, doanh nghiệp còn mong muốn được hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp nhận công nghệ. Mặc dù Chính phủ đã có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhưng lại có quá nhiều quy định, cơ chế “bó chân” doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dù thực sự có nhu cầu đổi mới công nghệ nhưng rất khó tiếp cận chính sách này.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Mai Phương