Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô chậm tiến: Nguyên nhân do đâu?

author 19:00 30/10/2018

(VietQ.vn) - Thời gian vừa qua, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô vẫn chưa thực sự phát triển, tỷ lệ nội địa trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Vậy nguyên nhân do đâu?

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Các nước đi trước với công nghệ và lao động ở trình độ cao hơn, tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô nên chi phí sản xuất ô tô thấp hơn và trong điều kiện thương mại tự do hiện nay đang tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với các hãng sản xuất ô tô trong nước.

CNHT ngành ô tô vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra

Các DN Việt Nam hiện đã sản xuất được một số linh kiện, phụ tùng cho ô tô nhưng với hàm lượng công nghệ và giá trị không cao. Mặc dù thời gian vừa qua CNHT được sự quan tâm của Chính phủ, tuy nhiên, CNHT ngành ô tô vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Vậy nguyên nhân do đâu?

 CNHT ngành ô tô vẫn chưa phát triển, tỷ lệ nội địa trong ngành còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. (Ảnh: Kinhtedothi)

Tại Hội thảo "Phát triển CNHT Ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp", các chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc CNHT ngành ô tô tại Việt Nam chưa phát triển:

Dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, các DN CNHT chưa đủ khả năng tiếp cận các chuỗi sản xuất ô tô ở nước ngoài.

Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Năng lực sản xuất của các DN trong nước còn thấp. Các công ty CNHT ngành ô tô của Việt Nam có số lượng nhỏ, vốn là các công ty cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa, trình độ công nghệ còn kém, không có kinh nghiệm trong ngành ô tô. Do là các DN vừa và nhỏ, nên các DN CNHT ô tô Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trình độ quản lý sản xuất và kinh doanh yếu, không đáp ứng được các yêu cầu của các nhà sản xuất ô tô.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Tập quán kinh doanh của các DN toàn cầu thường sử dụng các DN đã từng cung ứng sản phẩm CNHT trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các DN cùng quốc tịch.

Chưa chủ động về các vật liệu cơ bản: Các vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa, chất dẻo... chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đã có quy định trong Nghị định 111/2015/NĐ - CP về phát triển CNHT có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và Quyết định 68/QĐ - TTg ngày 18/01/2017 về phê duyệt Chương trình phát triển CNHT. Tuy nhiên, do thời gian triển khai thực hiện ngắn nên chưa phát huy hiệu quả rõ rệt.

Cần cân nhắc các chính sách có hiệu quả để giảm chi phí đầu tư

Ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng phòng Phòng công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngoài các chính sách về đầu tư, kinh doanh nói chung, ngành công nghiệp ô tô còn chịu sự điều chỉnh của các chính sách mang đặc thù của ngành. Các chính sách liên quan đến CNHT ngành ô tô bao gồm: 

Nghị định số 111/2015.NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT. Theo đó, quy định danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển của 06 ngành là: Dệt may, da - giày, Điện tử, Sản xuất lắp ráp ô tô, Cơ khí chế tạo và CNHT cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là các quy định ưu đãi, hỗ trợ thiết thực cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT phát triển.

Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2020: Ngày 18/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2020, với nhiều nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các DN CNHT nội địa, trong đó bao gồm các DN CNHT ngành ô tô. 

Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, quy định thuế xuất, thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm 98.49 tại Mục II chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định.

Bên cạnh đó, Đại diện Công ty ô tô Việt Nam cũng chia sẻ, để ủng hộ cho CNHT, linh kiện nội địa cần cạnh tranh hơn so với linh kiện nhập khẩu về chất lượng, chi phí và giao hàng. Đặc biệt, vấn đề chi phí và sản lượng đóng vai trò quan trọng. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với "Sản lượng bất lợi" so với các nước khác. Hơn nữa, để mở rộng nội địa hóa, cần cân nhắc các chính sách có hiệu quả để giảm chi phí đầu tư (ví dụ: hỗ trợ cho việc đầu tư khuôn ép và đồ gá).

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô?(VietQ.vn) - Gần đây, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa) đã đạt được những thành tựu nhất định, bên cạnh đó vẫn đặt ra nhiều hạn chế.

Phương Mai

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang