Giải pháp nào thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô?

authorNgọc Xen 13:22 30/10/2018

(VietQ.vn) - Gần đây, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa) đã đạt được những thành tựu nhất định, bên cạnh đó vẫn đặt ra nhiều hạn chế.

Sản phẩm sản xuất ra có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp?

Theo tài liệu Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cung cấp tại Hội thảo "Phát triển CNHT ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp", trong những năm gần đây, CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa) đã đạt được những thành tựu nhất định, mặc dù vẫn đặt ra nhiều hạn chế.

- Về quy mô các doanh nghiệp: tổng số doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ô tô là 358 DN, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô (quá thấp so với 385 DN ở Malaysia và 2500 DN ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô). CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vở cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe, nhíp lò xo, ống xả... Đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là các sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa.

- Về sản phẩm CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Đã sản xuất được một số nhóm phụ tùng linh kiện, chi tiết như: thùng xe, vở cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước... Các chi tiết tổng thành ô tô sản xuất bao gồm: ghế, kính bên cạnh và nhíp cho ô tô thương mại, cản trước và sau... Các DN sản xuất ô tô trong nước đầu tư vào CNHT sản xuất chi tiết tổng thành ô tô như Thaco, TMV, Samco, Veam, Vinamotor...

Đối với các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản. Tuy nhiên, phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ DN FDI, tỷ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ DN nội địa cung cấp rất thấp. Trong số các DN cung cấp hiện có hơn 90% là DN FDI, chỉ có số ít DN trong nước có thể tham gia vào mạng lưới DN cung cấp cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam. 

- Về thị trường CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Đã hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Mặc dù là thị trường nhỏ, theo hợp đồng cung cấp hoặc xuất khẩu, quy mô chưa đáng kể so với các nước trong khu vực, nhưng các DN sản xuất, lắp ráp ô tô đã xem xét và chú ý đến việc tìm kiếm DN cung cấp và đặt hàng đối với sản phẩm CNHT trong nước.

- Về công nghệ sản xuất phụ tùng linh kiện: Đa số các DN đã chủ động đầu tư vào dây chuyền máy móc, công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết cho ô tô.

- Về xuất khẩu sản phẩm CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: DN nội địa và DN FDI đã tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, bước đầu hình thành và phát triển CNHT cho ô tô, xuất khẩu phụ tùng và linh kiện năm 2015 đạt 3,5 tỷ USD, năm 2016 đạt 3,9 tỷ USD và năm 2017 đạt 4,428 tỷ USD.

Ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng phòng Phòng công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, nhiều sản phẩm phụ tùng linh kiện vẫn còn ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Do đó, tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu mong muốn và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô ở Việt Nam.

 Ông Lương Đức Thành cho biết, nhiều sản phẩm phụ tùng linh kiện vẫn còn ở mức độ đơn giản. Ảnh: Phương Mai

Bên cạnh đó, ông Shinjiro Kajikawa - đại diện Công ty ô tô Việt Nam cũng khẳng định, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô không thể đạt được nếu thiếu sự tăng trưởng của thị trường, sản xuất lắp ráp xe trong nước và CNHT. Để ủng hộ cho CNHT, linh kiện nội địa cần cạnh tranh hơn so với linh kiện nhập khẩu về: Chất lượng, chi phí và giao hàng (QCD).

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô?

Các chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ, xét tình hình thực tiễn, để phát triển CNHT ngành ô tô cần một số giải pháp sau:

- Nâng cao năng lực DN CNHT ngành ô tô, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu.

+ Triển khai hiệu quả chương trình phát triển CNHT. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng chính phủ trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trong đó có ngành ô tô, triển khai đồng bộ các giải pháp: Thúc đẩy liên kết giữa các DN CNHT và các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt với một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc...; Hỗ trợ các DN nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất và quản lý sản xuất, chuyển giao công nghệ phát triển KH &CN, phát triển nguồn nhân lực CNHT.

+ Hỗ trợ tín dụng, tiếp cận với vốn vay và gói tín dụng cho CNHT: Hình thành gói tín dụng ưu đãi - với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng chiến lược của Đảng, Chính phủ , trong đó có việc ưu tiên về tín dụng cho phát triển CNHT; Tiếp tục xác định CNHT là lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn cho vay theo trần lãi suất quy định; Khuyến khích các tổ chức tín dụng có những sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng DN, trong đó có DN nhỏ và vừa, DN CNHT; Kết hợp thẩm định cho vay đối với khách hàng kèm theo tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù của DN trong lĩnh vực CNHT.

- Hình thành các Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp.

- Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn: Nghiên cứ ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện tử... nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển.

- Thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới. 

Tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng suất lao động(VietQ.vn) - Việc tận dụng cuộc cách mạng công ngiệp 4.0 là cơ hội lớn cho việc thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Phương Mai

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang